(HNM) - Có thể nói, công tác bồi thường nhà nước chưa bao giờ được quan tâm như vài năm trở lại đây. Theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, từ khi Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước (TNBTNN) có hiệu lực (ngày 1-1-2010), số vụ việc yêu cầu bồi thường và hồ sơ được giải quyết tăng dần.
Tại hội nghị triển khai công tác bồi thường nhà nước năm 2016, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, với 204 vụ việc đã được thụ lý giải quyết (đạt 79%), Luật TNBTNN đã bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng cho nhiều người dân. Một số vụ việc phức tạp, kéo dài phát sinh đã được xử lý dứt điểm như vụ của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), bà Đặng Thị Thông (Bình Định), ông Phan Văn Lá (Long An), ông Nguyễn Khắc Công (Nam Định)... được dư luận ủng hộ, đánh giá cao.
Tuy nhiên, vẫn còn những vụ việc bồi thường oan sai bị kéo dài. Một trong số nguyên nhân dẫn tới điều đó là quy định tại Điều 18 Luật TNBTNN và Khoản 1, Điều 9 Nghị định số 16/NĐ-CP không liệt kê rõ ràng, chi tiết trường hợp nào cơ quan có trách nhiệm bồi thường cần tiến hành định giá tài sản, trường hợp nào cần giám định thiệt hại tài sản. Điều này khiến cơ quan có trách nhiệm bồi thường lúng túng hoặc áp dụng phương thức định giá, giám định đối với tài sản bị thiệt hại chưa phù hợp, ảnh hưởng đến kết quả xác minh thiệt hại, khiến kéo dài thời gian xác định mức bồi thường, thương lượng với người bị thiệt hại.
Chưa kể, theo quy định của Luật TNBTNN, cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động thi hành án hình sự là trại giam, trại tạm giam, cơ quan quản lý nhà tạm giữ, cơ quan công an có thẩm quyền và tòa án ra quyết định thi hành án… Ưu điểm của phương án này là gắn hoạt động chuyên môn khi giải quyết bồi thường và không làm phát sinh bộ máy ở cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, lại có hạn chế là có nguy cơ thiếu khách quan trong hoạt động giải quyết bồi thường. Thực tế đã chứng minh, luật quy định cơ quan nhà nước làm sai đồng thời là cơ quan phải bồi thường giống như việc "vừa đá bóng vừa thổi còi", bởi không đơn vị nào lại muốn "tự đập chân mình", do vậy dễ dẫn đến né tránh, bao che cho công chức vi phạm. Người bị thiệt hại trong nhiều trường hợp không xác định được hoặc phải chờ đợi cơ quan có thẩm quyền xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường vừa tốn thời gian, công sức đi lại, vừa phát sinh thủ tục không cần thiết.
Như vậy, việc nghiên cứu, thực hiện theo hướng giao cho một cơ quan làm đầu mối tiếp nhận và thay mặt Nhà nước giải quyết bồi thường cho tổ chức, công dân bị thiệt hại cần sớm triển khai nhằm khắc phục triệt để tình trạng bưng bít thông tin bởi "không ai muốn tự nhận mình sai".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.