(HNM) - Thông tin từ Bộ Tư pháp cho biết, thời gian qua, hoạt động của thừa phát lại (tổ chức tư chủ yếu thực hiện lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; xác minh điều kiện thi hành án, trực tiếp tổ chức thi hành án theo yêu cầu của đương sự) có nhiều thuận lợi.
Tuy nhiên, nhận thức của một số cơ quan, cán bộ và xã hội về chế định thừa phát lại còn nhiều hạn chế; đội ngũ thừa phát lại chưa được đào tạo bài bản. Để bảo đảm hoạt động này phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và cải cách hành chính ở Việt Nam, thời gian tới cần có khuôn khổ pháp lý phát triển nghề thừa phát lại bền vững, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thi hành án.
Theo đó, Bộ Tư pháp đề xuất, xây dựng dự án Luật Thừa phát lại theo hướng cụ thể hóa tất cả các vấn đề về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại. Quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý thừa phát lại cũng sẽ lưu ý đến vấn đề mở rộng quyền hạn cho thừa phát lại, nhằm bảo đảm sự bình đẳng giữa thừa phát lại (hoạt động ở cơ sở tư) với chấp hành viên - cán bộ có chức trách, nhiệm vụ tương đương hoạt động ở cơ sở công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.