(HNM) - Dữ liệu cá nhân đang trở thành “nguồn vốn”, “tài sản” có tầm quan trọng hàng đầu của nền kinh tế số hay nền kinh tế vận hành trên cơ sở dữ liệu sử dụng công nghệ số. Do đó, việc sớm có các quy định pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân ở nước ta để vừa bảo đảm tôn trọng quyền công dân, vừa thúc đẩy sự vận hành của nền kinh tế số là hết sức cần thiết.
Hiện nay có thể dễ dàng nhìn thấy thông tin cá nhân của nhiều người được đăng tải công khai trên các mạng xã hội; tình trạng số điện thoại, thư điện tử (email) cá nhân gắn với người dùng được rao bán; thậm chí hai người ngồi nói chuyện về một chủ đề gì đó thì dường như lập tức xuất hiện ngay chủ đề này ở tài khoản cá nhân trên mạng xã hội của những người đó. Cùng với đó, ngày càng có nhiều chủ thể thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu cá nhân cho mục đích khác nhưng không thông báo cho khách hàng hoặc để xảy ra hành vi vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân…
Thêm nữa, số liệu từ các công ty công nghệ chuyên về nghiên cứu thị trường cho thấy, trung bình mỗi ngày, người Việt Nam dành khoảng 6,5 giờ để vào mạng, trong đó có trên 2 giờ để truy cập mạng xã hội. Một số liệu khác được ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Công ty cổ phần VNG (một trong những doanh nghiệp lớn về internet trong nước) cho biết, mỗi năm Việt Nam tạo ra 76 tỷ GB dữ liệu và đó là nguồn dữ liệu vô cùng lớn. Vậy nhưng, phần lớn dữ liệu trong số này lại thuộc về các công ty công nghệ đa quốc gia lớn nhất thế giới… Trong khi đó, dữ liệu được ví như "dầu mỏ" của nền kinh tế số, quốc gia nào càng sở hữu nhiều dữ liệu thì càng trở nên giàu có.
Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu là người sử dụng mạng internet cần nâng cao nhận thức về bảo mật dữ liệu cá nhân trên không gian mạng. Đồng thời đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước sớm xây dựng, ban hành văn bản pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, cũng như vấn đề khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ cho phát triển kinh tế số.
Trước khi đề xuất về việc cần thiết phải ban hành bộ luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch công ty cổ phần VNG cho biết, ông từng tìm thấy số điện thoại của mình xuất hiện trên mạng, bị gọi điện làm phiền. Vì vậy, ông rất mong các cơ quan chức năng xem xét, sớm đưa ra luật bảo vệ quyền riêng tư của dữ liệu của Việt Nam, sớm có các quy định bảo vệ quyền dữ liệu của mỗi người để xác định được rõ ràng, công khai đối tượng thu thập thông tin, mục tiêu thu thập và chủ thể liên quan đến các dữ liệu được quyền đồng ý hay không về việc sử dụng dữ liệu đó… Cùng quan điểm, ông Vũ Thế Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Netnam (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet) nhấn mạnh, chuyển đổi số bắt đầu từ số hóa dữ liệu, do vậy cần thiết sớm có bộ luật riêng về bảo vệ dữ liệu và thông tin cá nhân.
Nhấn mạnh cần thiết phải xây dựng các quy định để bảo vệ dữ liệu cá nhân, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết, vấn đề bảo vệ quyền riêng tư của dữ liệu mỗi cá nhân là vấn đề chung của toàn cầu và Việt Nam không thể tách rời. Do vậy, việc xây dựng môi trường pháp lý với các quy định về bảo vệ quyền riêng tư của dữ liệu cá nhân thực hiện trên nguyên tắc văn minh, tiến bộ và không vi phạm cam kết quốc tế, đồng thời tôn trọng hiến pháp, pháp luật. “Tôi cho rằng, xây dựng nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân hiện nay là phù hợp và nhanh chóng để có thể vận dụng ngay vào thực tế cuộc sống”, ông Vũ Hoàng Liên nói.
Trước đó, tháng 9-2020, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trình Chính phủ trong quý I-2021. Theo đánh giá của Bộ Công an, hiện có hơn 80 quốc gia đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trong thời đại công nghệ số hiện nay, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ mang tính đột phá trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân đang ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.