Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần rõ trách nhiệm từng bộ, ngành, địa phương

Hương Ly| 03/10/2017 06:53

(HNM) - Chiều 2-10, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Kinh tế phối hợp với Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về “Tình hình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020”. Tại phiên giải trình, những bất cập trong công tác quản lý vốn đầu tư công đã được phân tích, yêu cầu đặt ra là phải làm rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương.

Nợ đọng xây dựng cơ bản tập trung chủ yếu ở khối địa phương vẫn chưa được xử lý triệt để. Ảnh: Hoài Nam


11 nhóm vấn đề vướng mắc

Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau khi Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định hướng dẫn thực hiện. Việc thông qua luật đã tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ và hoàn chỉnh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư công, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải. Luật Đầu tư công đã ngăn ngừa sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí; phân cấp mạnh mẽ cho các bộ, ngành và địa phương trong quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án đi đôi với các chế tài, nâng cao trách nhiệm của người ký quyết định đầu tư.

Tuy nhiên, sau gần 3 năm thực hiện, Luật Đầu tư công đã phát sinh nhiều vấn đề liên quan công tác quản lý đầu tư; giao kế hoạch vốn, giải ngân vốn... Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nêu 11 nhóm vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện luật. Trong đó, nổi bật là việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công. Hằng năm, các bộ, ngành, địa phương có nhu cầu điều chỉnh kế hoạch giữa các dự án, đặc biệt là dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong nội bộ cơ quan chủ quản lớn. Nhưng khi bộ, ngành, địa phương muốn điều chỉnh vốn từ dự án chậm tiến độ sang dự án giải ngân tốt, đặc biệt là dự án ODA thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Quy định này làm giảm tính chủ động của các bộ, ngành, địa phương và làm tăng thủ tục hành chính. Thêm vào đó, quy định thời gian giải ngân vốn được kéo dài sang năm sau tạo tâm lý khiến các chủ đầu tư không tập trung triển khai thực hiện kế hoạch ngay trong năm...

Việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Kế hoạch vốn giai đoạn 2016-2020 chỉ đáp ứng khoảng 53% nhu cầu vốn đầu tư từ ngân sách trung ương dành cho 21 chương trình mục tiêu đã được Chính phủ phê duyệt. Nhiều dự án cấp bách, trọng điểm của nền kinh tế chưa có khả năng cân đối vốn trong kế hoạch thực hiện.

Tránh đùn đẩy trách nhiệm

Tại phiên giải trình, nhiều đại biểu đã chỉ rõ những vướng mắc, bất cập trong quá trình giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công, đặc biệt là vấn đề chuyển nguồn và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn quá chậm. Trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong số 80.000 tỷ đồng bố trí để thực hiện các dự án quan trọng quốc gia giai đoạn 2016-2020, có 10.000 tỷ đồng dành cho dự án chống ngập của TP Hồ Chí Minh. Song đến nay, dự án vẫn chưa hoàn thành thủ tục. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản về dự án chống ngập của TP Hồ Chí Minh, hiện chờ Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Liên quan đến nguồn vốn phục vụ công tác giải phóng mặt bằng Dự án Sân bay Long Thành, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, con số 5.000 tỷ đồng phục vụ giải phóng mặt bằng Sân bay Long Thành chỉ là mức dự kiến, chưa thể xác định ngay nguồn cho dự án là bao nhiêu. Hiện tỉnh Đồng Nai đã lập báo cáo, dự kiến cần 23.000 tỷ đồng phục vụ giải phóng mặt bằng. Trong kế hoạch trung hạn chưa có nguồn bổ sung cho việc này và theo dự kiến, đến năm 2020 cần khoảng 11.000 tỷ đồng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xem xét chuyển nguồn từ các dự án không triển khai để phục vụ giải phóng mặt bằng Sân bay Long Thành. Với những vướng mắc tại dự án cụ thể của các địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin phép trả lời sau bằng văn bản.

Đánh giá cao phiên giải trình, song ông Tạ Văn Hạ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, cần làm rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm theo dõi chính về nguồn vốn đầu tư nhà nước. "Phải xác định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm về một lĩnh vực chính. Bởi vì không rõ nên kiểm tra, giám sát buông lỏng, chưa thực hiện hết trách nhiệm, phân bổ vốn đầu tư xong là xong, còn đồng vốn nhà nước đi đến đâu, hiệu quả thế nào thì lại không rõ ràng" - ông Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, việc ban hành Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã tạo hành lang pháp lý thống nhất đồng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả đầu tư công. Nhờ có kế hoạch đầu tư công, các bộ, ngành địa phương đã chủ động lồng ghép chương trình dự án, tạo ra hiệu quả tích cực, giảm nhanh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Từ phân tích của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan trong vấn đề quản lý đầu tư công. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công, các nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tránh làm sai, đùn đẩy trách nhiệm. Cần công khai minh bạch và làm rõ trách nhiệm những dự án nào, bộ nào, địa phương nào có sai phạm khi thực hiện trước khi xem xét sửa đổi Luật Đầu tư công…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần rõ trách nhiệm từng bộ, ngành, địa phương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.