Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần rõ ràng về sự tồn tại của hãng

Thi Thi| 09/12/2012 07:00

(HNM) - Những ngày qua, nhiều nghệ sĩ điện ảnh đã lên tiếng về việc nhà Thủy phi cơ mà Hãng phim truyện Việt Nam (PTVN) đang dùng làm Nhà truyền thống của hãng đứng trước nguy cơ bị thu hồi, đồng thời phản ánh điều kiện làm nghề ngày một khó khăn.

PV Hànộimới đã có cuộc trao đổi với đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân, Phó Giám đốc Hãng PTVN về một số vấn đề liên quan đến sự tồn tại và phát triển của hãng.

- Ông từng nói sự tồn tại của nhà Thủy phi cơ chỉ là vấn đề trước mắt, sự tồn tại và phát triển của Hãng PTVN mới là chuyện lâu dài. Vậy thực trạng của hãng hiện ra sao, thưa ông?

- Bằng quan sát cũng có thể thấy rõ tình trạng cơ sở vật chất của hãng xập xệ thế nào. Một hãng phim lớn như thế mà thiết bị kỹ thuật vô cùng nghèo nàn, lạc hậu. Tôi rất đau xót vì có khi khâu làm tiếng động cũng phải nhờ một đơn vị khác. Chưa kể gần 3 năm nay tất cả các dự án phim của chúng tôi đều phải dừng lại, chờ thông tư hướng dẫn mới. Một đơn vị sinh ra để làm phim mà gần 3 năm không có phim để làm thì thử hỏi nó tồn tại thế nào? Hiện nay, chúng tôi đang phải trả lương cho anh em ở mức thấp khoảng 50% so với quy định.

Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân.

- Thưa đạo diễn, ông có thể chia sẻ thêm về phản ứng của nghệ sĩ Hãng PTVN cũng như một số nghệ sĩ điện ảnh khác trước việc nhà Thủy phi cơ sẽ bị thu hồi?

- Tại buổi làm việc với Bộ VH,TT&DL, cả 4 thế hệ lãnh đạo Hãng PTVN cùng nhiều tên tuổi của nền điện ảnh nước nhà như NSND Hải Ninh, NSND Như Quỳnh, nhà biên kịch Hồng Ngát... đã nói lên tình cảm, nguyện vọng, khẳng định diện tích nhà Thủy phi cơ hiện nay đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng giao cho bác Phạm Văn Khoa thành lập Xưởng phim Việt Nam. Đây cũng là nơi Bác Hồ từng tới thăm, là nơi ra đời bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng "Chung một dòng sông".

Dù mảnh đất này có "sổ đỏ" hay chưa cũng không quan trọng bằng việc nó đã thực sự gắn bó với Hãng PTVN suốt hơn 50 năm qua. Làm sao có thể thay thế một địa chỉ văn hóa ý nghĩa như vậy?

- Thưa ông, diện tích nhà Thủy phi cơ lâu nay được sử dụng như thế nào?


- Thực tế là do khó khăn nên từ thời ông Nguyễn Văn Nam làm lãnh đạo, hãng đã cho thuê địa điểm này và hợp đồng cho thuê chính thức đã hết hạn từ năm 2008. Vấn đề là trước khi rời khỏi hãng, cá nhân ông Nguyễn Văn Nam đã làm thêm một phụ lục hợp đồng kéo dài việc cho thuê kinh doanh diện tích này. Ban Giám đốc mới của hãng đã phải tập trung giải quyết hậu quả đau xót trên. Chúng tôi sẵn sàng công khai những việc làm liên quan đến nhà Thủy phi cơ trong quá khứ, kể cả việc làm sai. Chúng tôi cũng có quyền sửa sai chứ.

- Cá nhân ông cũng như Ban Giám đốc mới nghĩ gì về sự tồn tại và phát triển của hãng?


- Chúng tôi mong mỏi nhận được sự ủng hộ của các cơ quan chức năng để có thể giữ gìn, sử dụng hiệu quả Nhà truyền thống của hãng như một địa chỉ văn hóa quan trọng của ngành điện ảnh. Chúng tôi sẵn sàng tham gia đấu thầu phim, nhưng không thể cứ ngồi chờ mãi một thông tư không biết khi nào mới có. Cũng mong chính quyền địa phương sớm cấp "sổ đỏ" cho diện tích đất của hãng để có căn cứ cho việc hợp tác, đầu tư.

Thực sự thì các nghệ sĩ của Hãng PTVN cần sự trả lời rõ ràng của các cấp quản lý về việc liệu có nên để Hãng PTVN tồn tại nữa hay không?

- Xin chân thành cảm ơn ông!
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần rõ ràng về sự tồn tại của hãng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.