Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần quyết sách và giải pháp linh hoạt

Lý Nhân| 24/02/2011 06:48

(HNM) - Trong điều kiện Chính phủ quyết định ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là kiềm chế lạm phát, kiềm chế nhập siêu, kiềm chế bội chi ngân sách và giảm tỷ lệ đầu tư/GDP thì việc tăng trưởng kinh tế cao hơn, dù có khó khăn, nhưng vẫn phải quyết tâm thực hiện cho bằng được...


Yêu cầu tăng trưởng và vấn đề liên quan


Chế biến điều xuất khẩu tại Xí nghiệp Chế biến XNK và Nông sản thực phẩm Bình Phước Ảnh: TTXVN


Do đặc điểm xuất phát từ cấp độ thấp, nên kinh tế Việt Nam luôn cần vươn lên với tốc độ cao nhằm cải thiện sức mạnh của mình. Để thực hiện mục tiêu này, từ năm 2011 đã phải thực hiện các chỉ tiêu có tính bứt phá, đó là GDP tăng 7-7,5% (so với 6,78% của năm 2010). Riêng chỉ số CPI tăng không quá 7% (so với 11,75%), xuất khẩu tăng 10% (so với 26,2%), nhập siêu không quá 18% (so với 17%), bội chi ngân sách/GDP ở mức 5,3% (so với 5,8%)…

Thực tế, mặc dù GDP bình quân năm 2010 đạt 1.160 USD/người, nhưng vẫn còn thấp hơn so với mức bình quân của khu vực và của thế giới; nguy cơ tụt hậu vẫn còn, bởi giá trị tuyệt đối của 1% tăng lên trong GDP vẫn còn nhỏ. Vì vậy, GDP cần được tăng nhanh về quy mô để từ đó tăng phần tích lũy cho chiến lược lâu dài. Đây là một vấn đề cần cảnh báo để xử lý và duy trì mục tiêu tăng trưởng lên hàng đầu. Tuy nhiên, trong tăng trưởng GDP, cần xét ở "đầu vào" do 3 yếu tố quyết định là tăng vốn đầu tư, tăng lượng lao động và tăng năng suất tổng hợp. Vốn đầu tư là yếu tố trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng, hiện đóng góp tới 55% vào tốc độ tăng GDP, nhưng tỷ lệ vốn/GDP lại đang phải giảm để kiềm chế lạm phát, giảm bội chi ngân sách… Song, để nâng cao hiệu quả đầu tư, một mặt cần giảm đầu tư của khu vực công, thúc đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư; Chính phủ chỉ đạo sát sao các ngành chức năng làm tốt hơn công tác quy hoạch, kết hợp đồng bộ quy hoạch ngành, vùng và giảm sự phân tán, dàn trải, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công, chống lãng phí, thất thoát trong đầu tư. Mặt khác, phát triển theo chiều sâu cần nâng cao năng suất lao động bắt nguồn từ việc nâng cao tỷ lệ lao động đã qua đào tạo; tăng hiệu quả của khâu ứng dụng...

Một nguyên tắc cần quan tâm là, tăng trưởng GDP xét ở "đầu ra" phụ thuộc vào tiêu thụ, gồm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tiêu thụ trong nước được thể hiện chủ yếu ở tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Chỉ tiêu này năm 2010, sau khi loại trừ giá đã tăng đến 14% (cao hơn nhiều so với tốc độ tăng 10% của năm 2008, 11% của năm 2009, cao gấp hai lần tốc độ tăng GDP), đã trở thành động lực của tăng trưởng kinh tế. Xuất khẩu năm 2010 đạt nhiều chỉ tiêu vượt trội, cả về quy mô tuyệt đối (72 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay); cả về tỷ lệ xuất khẩu so với GDP (70,9%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 62,4% của năm trước); cả về tốc độ tăng (26,2%, ngược hẳn với tốc độ giảm 8,9% của năm trước, cao gấp 4,4 lần tốc độ tăng theo mục tiêu, cao gấp 3,9 lần tốc độ tăng GDP)… Do tốc độ xuất khẩu tăng cao hơn nhập khẩu đã giảm cả về quy mô, lẫn tỷ lệ. Năm 2011, với lợi thế về giá cả thế giới đang tăng, với sự hỗ trợ từ việc điều chỉnh tỷ giá ngay từ đầu năm… sẽ góp phần giúp xuất khẩu tăng trưởng với tốc độ cao (tháng 1-2011 tăng 18,1%).

Còn đó những thách thức

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế đang gặp một số thách thức. Rõ nhất là mặt bằng lãi suất ngân hàng hiện ở mức rất cao làm cho doanh nghiệp (DN) khó tiếp cận vốn, không dám vay vì lãi suất tiền vay lớn hơn khả năng sinh lời của DN. Muốn hạ được mặt bằng lãi suất phải kiềm chế được lạm phát, trong khi việc này không dễ. Năm nay, cần lưu ý sự cộng hưởng của nhiều yếu tố khác, như giá cả thế giới tăng, việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với các mặt hàng quan trọng như điện, than, xăng dầu cùng tác động dây chuyền của nó... Các chuyên gia cảnh báo, nếu những điều chỉnh này diễn ra cùng một lúc, sự cộng hưởng dễ lớn hơn. Việc điều chỉnh tỷ giá VND/USD gần đây có tác động nhiều mặt về cung - cầu, thanh khoản, cán cân thương mại, dự trữ ngoại hối… Nếu không có giải pháp quyết liệt để xử lý các hiệu ứng phụ của nó rất dễ tác động đến lạm phát. Một khi lạm phát cao, chi phí "đầu vào" tăng, giá tiêu thụ tăng, làm cho tiêu dùng về lượng sẽ bị co lại; tiền lương bị giảm ở một số DN sẽ không thu hút được số lao động trở lại, khó tuyển lao động mới… Một thách thức nữa là giá bất động sản đang ở mức cao, nhất là ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nên chi phí thuê, mua địa điểm sản xuất, kinh doanh tăng cao, ảnh hưởng đến khả năng phát sinh lợi nhuận, đầu tư cho tăng trưởng,…

Đã đến lúc phải đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ chủ yếu theo chiều rộng sang chiều sâu. Kinh nghiệm của Việt Nam và nhiều nước cho thấy, mục tiêu cuối cùng có đạt được hay không không chỉ phụ thuộc vào tốc độ cao trong ngày hôm nay, mà ở độ bền vững của tốc độ đó trong dài hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần quyết sách và giải pháp linh hoạt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.