Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần quyết liệt, hiệu quả hơn

Hà Hiền| 03/04/2019 07:02

(HNM) - Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 37/CT-TƯ ngày 6-6-2014 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao”, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở nước ta tăng lên đáng kể...

Chương trình đào tạo nghề chất lượng cao tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam


Tăng cả lượng và chất...

Vừa làm nông nghiệp, vừa làm nghề may trong nhiều năm, thu nhập của chị Vũ Thị Tiên (36 tuổi), ở thôn Giáp 3, xã Bạch Hạ (huyện Phú Xuyên) vẫn chỉ đủ trang trải cho các sinh hoạt tối thiểu. Để cải thiện kinh tế gia đình, từ năm 2018 đến nay, chị Tiên đăng ký học nghề kỹ thuật trồng cây ăn quả dành cho lao động nông thôn, đồng thời học nâng cao nghề may. “Đi học nghề, tôi mới hiểu rõ, làm bất kỳ nghề nào cũng cần có kiến thức, kỹ năng. Vận dụng những kiến thức đã học vào công việc hằng ngày, thu nhập của tôi tăng thêm từ 1 đến 1,5 triệu đồng/tháng”, chị Tiên cho hay.

Bước sang tuổi 41, chị Phạm Thị Hoa, ở thôn Nghĩa Hảo, xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) quyết tâm học nghề mây, tre đan một cách bài bản. Theo chị Hoa, những người sinh ra, lớn lên ở làng nghề thì ai cũng biết làm nghề, nhưng nhu cầu sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống lại thay đổi từng ngày, đòi hỏi người làm nghề phải linh hoạt, sáng tạo. “Làm được những sản phẩm khó hơn, ngày công của tôi đã tăng từ 150.000 đồng lên 200.000 đồng”, chị Hoa phấn khởi cho biết.

Nhận thấy tầm quan trọng của việc nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, từ năm 2014 đến nay, trung bình mỗi năm trên địa bàn thành phố Hà Nội có gần 200.000 người tham gia học nghề hoặc học để nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề. Kết quả này góp phần nâng tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo ở Hà Nội tăng từ 49,72% năm 2014, lên 63,18% năm 2018 và dự kiến tăng lên 67,5% vào cuối năm nay. Cũng như Hà Nội, 62 tỉnh, thành phố khác cũng ưu tiên đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, riêng trong năm 2018, đã có 45 trường đầu tư để trở thành trường chất lượng cao vào năm 2020, tuyển sinh được gần 177.000 người.

Bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, thực hiện Chỉ thị số 37/CT-TƯ, thành phố từng bước sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế. Đến thời điểm này, Hà Nội đã xây dựng 3 đơn vị trở thành trường chất lượng cao, đó là: Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội và Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Hà Nội. Đặc biệt, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội vừa được UBND thành phố phê duyệt đề án đầu tư gần 416 tỷ đồng để đầu tư đồng bộ, trở thành trường chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế vào năm 2025.

Thực hiện quyết liệt các giải pháp

Không thể phủ nhận kết quả đạt được trong công tác đào tạo nghề nói chung, đào tạo nhân lực có tay nghề cao nói riêng trong giai đoạn 2014-2019. Song, kết quả này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguyên nhân là vì tỷ lệ lao động qua đào tạo ở nước ta tuy cao, song mới có gần 30% số người đang làm việc có bằng cấp, chứng chỉ. Cơ cấu lao động, việc làm chưa hợp lý, năng suất lao động còn thấp.

Lao động có tay nghề cao được thị trường đón nhận.Ảnh: Minh Ngọc


Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam cho biết, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Những ngành thu hút nhiều lao động như công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản,… có năng suất lao động rất thấp. “Để khắc phục tình trạng này, không có cách nào tốt hơn là người lao động phải nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề. Các ngành, địa phương cần triển khai nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao quyết liệt, hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Anh Tuấn khuyến nghị.

Ngoài các giải pháp đã triển khai, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đang tham vấn ý kiến nhằm đề xuất đưa nội dung đào tạo nghề vào dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi. “Bộ luật Lao động nên có quy định khuyến khích doanh nghiệp hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tạo thuận lợi cho các bên liên quan trong quá trình triển khai đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có nhân lực chất lượng cao”, ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh.

Từ kinh nghiệm thực tế, ông Nguyễn Công Truyền, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Hà Nội cho rằng, các ngành, địa phương nên có chính sách khuyến khích người lao động học nghề trình độ cao. Còn ông Hà Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Ứng dụng công nghệ và CNC Việt Nam, phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) cho rằng, lao động được đào tạo theo tiêu chuẩn khu vực, quốc tế đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Trong quá trình tuyển dụng, các doanh nghiệp luôn hướng tới nguồn nhân lực này.

Theo Chỉ thị số 37/CT-TƯ, đến năm 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao có đủ năng lực đào tạo tương đương cấp độ khu vực và quốc tế. Thời gian thực hiện mục tiêu này không còn nhiều, hy vọng các cơ quan chức năng triển khai và thực hiện nhiệm vụ đào tạo nhân lực có tay nghề cao quyết liệt, hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần quyết liệt, hiệu quả hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.