Phòng cháy chữa cháy

Cần quy định cụ thể về điều kiện an toàn với các loại hình nhà ở

Tiến Thành 27/06/2024 - 17:47

Các đại biểu Quốc hội đề nghị, cần quy định cụ thể về điều kiện an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà ở riêng lẻ, nhiều tầng.

Chiều 27-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

dieuhanh.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng đóng góp nhiều ý kiến thiết thực nhằm hoàn thiện dự thảo Luật.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ) nhận thấy, thực tế thời gian qua, tình hình cháy nổ diễn biến rất phức tạp. Nhiều vụ cháy đã xảy ra ở các thành phố lớn, các khu đô thị tập trung đông dân cư, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản.

“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ, cụ thể là việc đầu tư lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy không đạt tiêu chuẩn hoặc phương án thoát hiểm khi xảy ra sự cố cháy, nổ không bảo đảm an toàn, ý thức của hộ kinh doanh về phòng cháy, chữa cháy còn hạn chế. Chính vì vậy, cần phải có giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy”, đại biểu Đào Chí Nghĩa nói.

duongkhacmai.jpg
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) thảo luận về dự thảo Luật. Ảnh: media.quochoi.vn

Trước những vụ cháy, nổ liên tiếp xảy ra trên cả nước trong thời gian qua, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, dự thảo Luật chưa có những quy định cụ thể về điều kiện bảo đảm phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh. Do đó, đại biểu đề nghị làm rõ hơn điều kiện an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, có đánh giá tác động cụ thể, kỹ lưỡng hơn để bảo đảm tính khả thi khi triển khai Luật.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước (Đoàn Kon Tum) cho biết, thời gian qua, một trong những vấn đề vướng mắc, bất cập đó là công tác quản lý trên nhiều lĩnh vực của các cơ quan chức năng chưa thực sự hiệu quả, để xảy ra tình trạng xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ, có nhiều tầng, nhiều căn hộ không tuân thủ quy định của pháp luật. Vì vậy, đại biểu cho rằng dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định giải quyết các công trình hiện hữu chưa bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy.

“Dự thảo Luật cũng cần bổ sung quy định cụ thể hơn trách nhiệm của người dân về trang bị các thiết bị báo động cháy, báo khói; khuyến khích lắp đặt hệ thống báo cháy tự động hoặc từ xa thông qua các thiết bị điều khiển thông minh”, đại biểu nói.

honghanh.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn

Ưu tiên các nguồn lực phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) lưu ý, cần bổ sung quy định các phương tiện, tài sản được huy động để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ mà bị tổn hao hoặc nhà, công trình bị phá dỡ thì được bồi thường theo quy định của pháp luật.

“Đây là nội dung liên quan đến quyền về tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân nhưng quy định trong dự thảo còn chung chung và dự thảo cũng không có điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết”, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh nhấn mạnh.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn Kon Tum) phân tích, nguyên tắc quy định trong luật này lấy phòng ngừa là chính, hạn chế thấp nhất sự cố cháy, nổ; khi có tình huống xảy ra, yêu cầu công tác cứu nạn, cứu hộ phải nhanh chóng, hiệu quả.

“Tuy vậy, theo báo cáo của Bộ Công an, phương tiện, thiết bị chuyên dụng phục vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hiện nay còn thiếu, lạc hậu, kém chất lượng, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cũng như tình hình thực tiễn”, đại biểu chia sẻ.

Từ đó, đại biểu cho rằng, Nhà nước cần có ngay biện pháp phù hợp để giải quyết nhanh nhất những tồn tại nêu trên, cần bổ sung các chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước trong xây dựng lực lượng và trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

“Cần quy định có ưu tiên thỏa đáng về nguồn lực tài chính để mua sắm, trang bị phương tiện cứu nạn, cứu hộ tiên tiến, bảo đảm đạt hiệu quả cao nhất để cứu người, cứu tài sản, dập đám cháy nhanh nhất, kể cả máy bay”, đại biểu Phạm Đình Thanh đề xuất.

nguyenthixuan.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn Đắk Lắk) thảo luận tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Về quyền, trách nhiệm của người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn Đắk Lắk) cho rằng, để bảo đảm quyền công dân, tính khả thi thì cần nghiên cứu bổ sung nội dung người có thẩm quyền huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia cứu nạn, cứu hộ trong trường hợp cần thiết; đồng thời bổ sung quy định các trường hợp được bồi thường, nguồn kinh phí bồi thường đối với các thiệt hại về tài sản do tham gia cứu nạn, cứu hộ.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) nhấn mạnh, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là trách nhiệm của toàn dân, của cả hệ thống chính trị và trách nhiệm quản lý của nhà nước và cơ quan chuyên trách. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu những nội dung nào đã rõ, đã chín thì đề nghị quy định trực tiếp vào luật; hạn chế giao Chính phủ và Bộ Công an hướng dẫn quy định chi tiết để bảo đảm khách quan, rõ ràng.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo rà soát bổ sung quy định nguyên tắc phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố, tai nạn xảy ra; bảo đảm đồng bộ với quy định về lực lượng tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần quy định cụ thể về điều kiện an toàn với các loại hình nhà ở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.