(HNMO) - Hành động trốn thuế, không nộp thuế của tập thể hay cá nhân nào cũng có thể là nguyên nhân tạo ra bất bình đẳng trong xã hội. Một nghiên cứu của tổ chức Oxfam đã chỉ ra rằng, các “thiên đường thuế” là kẻ thù của những nỗ lực xóa đói giảm nghèo ở các nước đang phát triển…
Đáng lẽ số tiền thuế đó sẽ được các quốc gia chi trả cho các dịch vụ công, cho xóa đói nghèo làm giảm bớt sự bất bình đẳng thì nó lại làm giàu thêm cho kẻ giàu. (Ảnh minh họa). |
“Thiên đường thuế” là kẻ thù của xóa đói giảm nghèo bởi ở đó thuế suất rất thấp, thậm chí bằng không nghĩa là các công ty, cá nhân được ưu đãi không phải nộp thuế... Và dù các công ty, cá nhân không cần phải cư trú ở đây nhưng họ vẫn có thể đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh tại những “Thiên đường thuế”. Đó là đặc trưng cơ bản nhất của “Thiên đường thuế”.
Ngoài ra, còn có hai đặc trưng khác nữa như là nơi phải đảm bảo thông tin tài chính cá nhân nhằm chống lại sự giám sát của cơ quan thuế vụ nước ngoài; nơi thiếu minh bạch về các quy định pháp lý, luật pháp hoặc hành chính nhằm làm khó cơ quan thuế vụ nước ngoài khi xác định tình trạng của người nộp thuế. Theo các nghiên cứu từ Oxfam thì hàng năm các quốc gia nghèo thất thoát khoảng 170 tỷ đô la Mỹ tiền thuế do các “Thiên đường thuế”. Đáng lẽ số tiền thuế đó sẽ được các quốc gia chi trả cho các dịch vụ công, cho xóa đói nghèo làm giảm bớt sự bất bình đẳng thì nó lại làm giàu thêm cho kẻ giàu.
Theo Oxfam, hệ thống thuế toàn cầu hiện nay vẫn chấp nhận cho những “Thiên đường thuế” ra đời, tồn tại. Một chuyên gia nghiên cứu về vấn đề này cho biết “Mỗi quốc gia đều có quyền quyết định khi muốn thành lập ra “Thiên đường thuế” và quan trọng nhất là phải đảm bảo tính bảo mật”… Quốc gia thành lập “Thiên đường thuế” có thể thu lợi từ việc cung cấp dịch vụ cho các công ty và hút đầu tư từ nước ngoài qua đó học hỏi công nghệ từ các nước phát triển, hoặc tạo ra công ăn việc làm cho người lao động ở trong nước. Nhưng tất cả cái lợi đó không thể sánh được với thiệt hại do sự bất bình đẳng kinh tế mà nó tạo ra.
Qua các nghiên cứu của mình về bất bình đẳng và thuế, Oxfam đã đưa ra một thông điệp khá mạnh mẽ: Hệ thống thuế toàn cầu đã bị những kẻ giàu có lợi dụng, thao túng trốn thuế một cách có tổ chức để họ đạt lợi nhuận tối đa. Vì vậy Oxfam kêu gọi cần phải cải tổ lại hệ thống thuế toàn cầu và loại bỏ các “Thiên đường thuế”. Không ít những cuộc họp thượng đỉnh về chống tham nhũng, trốn thuế được tổ chức trên thế giới đã đưa vấn đề này ra thảo luận. Việc truyền thông thế giới phanh phui hồ sơ Panama đang làm tăng thêm quyết tâm cho một số nhà lãnh đạo, nhà kinh tế yêu cầu chấm dứt sự hoạt động của các “Thiên đường thuế”.
Đối với Việt Nam, báo cáo của Oxfam cũng đã chỉ ra một số lo ngại về các chính sách ưu đãi thuế dành cho các công ty có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) chưa đạt nhiều lợi ích như kỳ vọng. Đặc biệt, Oxfam đã nhấn mạnh tới hành vi trốn và lách thuế với số liệu dẫn từ điều tra của Tổng cục thuế vào năm 2014, có tới 720 trên tổng số 870 công ty nước ngoài tại Việt Nam vi phạm về thuế.
Cũng theo đánh giá của Oxfam thì hiện có khoảng 50% vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam qua những “Thiên đường thuế”, trong đó có một số địa danh có những thiên đường thuế đầu tư lớn nhất vào Việt Nam như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, quần đảo British Virgin... Phần lớn các tập đoàn đặt công ty con ở các “Thiên đường thuế” nơi có lợi nhất (có mức thuế thấp) rồi dùng công ty con đầu tư sang Việt Nam. Với cách làm như vậy, các tập đoàn này đã chuyển lợi nhuận về cho mình tối đa nhất và họ tránh nộp thuế bằng nhiều cách trong đó có hình thức chuyển giá, cho vay trong nội bộ tập đoàn.
Vì vậy, để chống lại các hình thức này trong khi chờ một hệ thống chính sách thuế mới trên toàn cầu thì Việt Nam cần nghiên cứu, xem xét các nhà đầu tư đến từ “Thiên đường thuế” xem có chuyện chuyển giá, lách thuế hay không để điều tra tìm ra công ty vi phạm. Cần quan tâm đặc biệt tới những trường hợp công ty thông báo lỗ, nhưng không phá sản mà tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Từ những phân tích đó, chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra những rào cản cần thiết đối với những “Thiên đường thuế” nhằm ngăn chặn sự trốn thuế tăng thêm nguồn thu đầu tư cho xóa đói giảm nghèo. Cụ thể, yêu cầu các doanh nghiệp FDI khai báo cụ thể minh bạch về các công ty con đồng thời có những cơ chế hoạt động để kiểm soát trước khi cho họ đầu tư. Phải thể hiện rõ thuế là công cụ phân phối thu nhập đảm bảo công bằng cho xã hội.
Ngoài ra, nhà nước cần có thêm các chính sách để gia tăng mạnh mẽ hơn nữa lợi ích từ thu hút FDI như tạo sức lan tỏa, chuyển giao công nghệ… nhằm tạo nên sức bật cho sự phát triển bền vững của DN Việt, chứ lợi ích của thu hút FDI chỉ đơn thuần như thu ngân sách, tạo việc làm… thì chưa đủ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.