Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần những điều chỉnh cụ thể, phù hợp

Việt Tuấn| 26/04/2014 05:55

(HNM) - Một số cấp ủy chưa quan tâm thật đầy đủ, hoặc có quan tâm nhưng còn lúng túng trong cách thức lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của HĐND cấp mình; số lượng đại biểu chuyên trách quá ít; một số quy định pháp luật trong bộ máy và cơ chế hoạt động của HĐND thiếu, hoặc chưa thật phù hợp…



Đây là nội dung được nhiều đại biểu HĐND các cấp ở TP Hà Nội trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ để hoạt động của HĐND ngày một hiệu quả.

Theo phản ánh của các đại biểu, hiện nay, cơ cấu thành phần đại biểu HĐND chưa hợp lý. HĐND thực hiện chức năng giám sát đối với các hoạt động của UBND nhưng đa số đại biểu kiêm nhiệm, làm việc trong các cơ quan hành chính thuộc UBND nên việc giám sát không hiệu quả, hoặc xảy ra tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Ở cấp quận, huyện, thị xã hiện đang thực hiện mô hình "văn phòng ghép" (văn phòng HĐND và UBND) nhằm cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách. Tuy nhiên, đội ngũ chuyên viên giúp việc cho thường trực HĐND do "văn phòng ghép" trực tiếp quản lý, điều hành nên khó hoạt động khách quan.

Mới đây, tại buổi giao ban chuyên đề về điều kiện bảo đảm cho hoạt động HĐND các cấp, nhiều đại biểu đồng tình quan điểm, để bảo đảm điều kiện hoạt động của HĐND, thì cơ cấu các thành phần đại biểu cần có sự điều chỉnh phù hợp, tránh cục bộ, tức là có quá nhiều đại biểu trong một ngành hay lĩnh vực. Về cơ cấu tuổi của đại biểu cũng cần có sự điều chỉnh hợp lý, nên tạo cơ hội cho những người trẻ tuổi tham gia vào HĐND, vì họ là những người có sự sáng tạo cao trong công việc, nhiệt tình và tài năng. Thời gian gần đây, số lượng đại biểu HĐND đã tăng nhưng hầu hết các đại biểu là kiêm nhiệm. Trong khi đó, hoạt động của đại biểu đòi hỏi sự chuyên tâm, nếu quá nhiều đại biểu kiêm nhiệm thì hoạt động khó có hiệu quả cho dù tăng thêm số lượng. Vì thế, cần tăng số lượng đại biểu chuyên trách, nhất là cấp quận, huyện, bảo đảm mỗi ban HĐND cấp này có ít nhất một đại biểu chuyên trách là trưởng hoặc phó ban. Ở HĐND cấp xã, phường nên có ít nhất hai đại biểu chuyên trách (là chủ tịch hoặc phó chủ tịch HĐND), nếu chủ tịch kiêm nhiệm thì phải có một ủy viên chuyên trách.

Với những bất cập trong hoạt động của HĐND hiện nay, cần đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Tổ chức HĐND và UBND. Quốc hội cũng sớm nghiên cứu, ban hành Luật Giám sát của HĐND, bởi đây là chức năng quan trọng, nhưng không có cơ chế, chế tài xử lý cụ thể nên hiệu quả giám sát của HĐND chưa cao; nhiều kiến nghị sau giám sát không được cơ quan chịu sự giám sát thực hiện nghiêm túc. Ngay cả hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là hình thức giám sát có hiệu quả của HĐND tại các kỳ họp nhưng cũng không có quy định cụ thể về chế tài đối với người trả lời chất vấn. Bên cạnh đó, trong hoạt động của đại biểu HĐND cũng cần xây dựng quy định về đánh giá mức độ hoàn thành công việc, quy định khen thưởng và kỷ luật để người đứng đầu HĐND các cấp nắm bắt tình hình, có biện pháp điều chỉnh phù hợp.

Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt: Hiện tại một số quy định pháp luật trong tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của HĐND còn thiếu, hoặc chưa thật phù hợp. Đó là HĐND cấp thành phố và quận, huyện không phải là cấp trên của HĐND cấp quận, huyện và cấp phường, xã; không có nhiệm vụ và thẩm quyền giám sát, hướng dẫn hoạt động của HĐND cấp dưới trực tiếp. Quy định thường trực HĐND chỉ có vai trò điều hòa, phối hợp hoạt động của các ban HĐND, chưa có quy định đầy đủ và cụ thể thẩm quyền và trách nhiệm của thường trực HĐND trong thời gian giữa hai kỳ họp, thậm chí chưa có luật giám sát của HĐND, trong khi đó đã có Luật Giám sát của Quốc hội. Thêm nữa, ở một số nơi, điều kiện vật chất cho hoạt động của HĐND cũng chưa được quan tâm đầy đủ.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần những điều chỉnh cụ thể, phù hợp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.