Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần những bản án nghiêm khắc

Trung Hưng| 17/12/2015 06:09

(HNM) - Ngày 16-12, TAND tỉnh Hà Tĩnh mở lại phiên xét xử sơ thẩm vụ án vi phạm quy định về an toàn lao động gây sập giàn giáo ở công trường dự án Formosa (Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh), làm 13 người chết và 29 người bị thương. Trong số bị cáo, có 2 người nước ngoài cùng quốc tịch Hàn Quốc.

Vụ việc đau lòng xảy ra ngày 25-3-2015, trong quá trình thi công dự án lắp đặt thùng chìm trọng lực cảng Sơn Dương, do Công ty Samsung C&T đảm nhận. 42 người thương vong tại một công trường là mất mát vô cùng lớn. Trong số họ, nhiều người đang là trụ cột kinh tế gia đình, nhiều người tuổi đời còn rất trẻ. Điều đáng nói, trước khi tai nạn khủng khiếp này ập đến, những dấu hiệu rõ ràng cảnh báo nguy cơ mất an toàn đã bị những người có trách nhiệm tại công trường như chỉ huy trưởng, chuyên gia phụ trách công nhân, tổ trưởng tổ công nhân vận hành hệ thống máy móc, thiết bị bỏ qua. Thậm chí, một số công nhân sợ hãi, báo cáo vụ việc và rời bỏ vị trí còn bị yêu cầu quay lại làm việc tiếp. Cũng cần nhắc thêm ở đây là sáng 26-11, TAND Hà Tĩnh đã đưa ra xét xử vụ án, tuy nhiên vì những lý do cả khách quan lẫn chủ quan mà phiên tòa phải hoãn lại. Vì thế, vụ án chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, đặc biệt là thân nhân của những người bị nạn cũng như người may mắn sống sót.

Ngày 16-12 cũng là thời điểm tròn một năm xảy ra vụ sập hầm Thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo thuộc địa bàn hai huyện Lạc Dương, Lâm Hà (Lâm Đồng). Khi đó, một "chiến dịch" quy mô lớn, bao gồm nhiều lực lượng đã được tổ chức nhằm giải cứu 12 công nhân bị mắc kẹt. Sự nỗ lực cao độ của cơ quan chức năng và quan trọng là nhờ cả yếu tố may mắn mà 12 công nhân này sống sót. Và cũng có điều đáng nói ở đây là theo Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, hầm Đạ Dâng được thi công trái phép cũng như có nhiều vi phạm quy định nhà nước về an toàn lao động. Ấy thế mà dự án vẫn được triển khai, nhà thầu vẫn cho thi công, người lao động vẫn làm việc, cho đến khi xảy ra tai nạn.

Cả hai vụ việc nêu trên có một mẫu số chung, đấy là sự coi thường pháp luật, coi thường các quy định về an toàn lao động. Ở góc độ khác, có thể thấy đây là sự coi thường tính mạng con người. Tuy nhiên, cả hai vụ việc mới chỉ là "chấm phá" trên bức tranh chung rất tiêu cực về thực trạng an toàn lao động hiện nay. Theo Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, năm 2014, cả nước đã xảy ra 6.709 vụ tai nạn lao động, làm 6.941 người bị nạn. Trong đó, 592 vụ tai nạn có người chết (tổng cộng 630 người); số người bị thương nặng là 1.544 người... Trong 6 tháng đầu năm 2015, theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, cả nước đã xảy ra 3.416 vụ làm 3.499 người bị nạn, 277 người chết, 680 người bị thương nặng. Cần lưu ý, đây là thống kê chưa đầy đủ - như "than phiền" của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội.

Tai nạn lao động để lại hậu quả xã hội hết sức nặng nề. Trong hầu hết vụ việc - một nguyên nhân quan trọng đã được chỉ ra, hầu hết chủ sử dụng lao động vi phạm quy định bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, từ việc không đầu tư trang thiết bị bảo hộ đến vi phạm quy trình thi công... nhằm tiết giảm chi phí. Nói cách khác, cả nhà thầu lẫn chủ đầu tư đã bất chấp sinh mạng con người để phát triển kinh tế.

Trở lại phiên tòa xét xử vụ sập giàn giáo, dư luận đang trông chờ những bản án nghiêm khắc đối với người có sai phạm. Kết quả phiên tòa sẽ là lời cảnh báo đối với những chủ sử dụng lao động đang "quên" hoặc cố tình quên quy định bảo đảm an toàn vệ sinh lao động. Ở góc độ lớn hơn, dư luận trông chờ chế tài xử lý thích đáng (từ xử lý hành chính đến xử lý hình sự) nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm quy định về an toàn vệ sinh lao động đang diễn ra tràn lan hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần những bản án nghiêm khắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.