Công nghệ

Cần nhân rộng "thôn thông minh" ở Phú Xuyên

Bạch Thanh 07/12/2023 - 15:50

Việc chuyển đổi số với thanh niên ở thôn Phú Đôi (xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên) đang mang lại cơ hội làm giàu. Phú Đôi là một trong những làng nghề có số lượng bán hàng online, quảng cáo sản phẩm làng nghề nổi tiếng...

Công nghệ số thay đổi nông thôn

Thời gian qua, Phú Xuyên đã có nhiều đổi mới nỗ lực cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, đưa chuyển đổi số tới từng người dân, từng thôn xóm, mọi đối tượng… Nhờ xây dựng thành công "thôn thông minh" ở các xã nông thôn mới kiểu mẫu, hứa hẹn nhân rộng ra các xã, thị trấn khác đã đem tới một cuộc sống mới hiện đại, tốt đẹp hơn và là nền tảng để làng quê phát triển bền vững.

Mô hình "thôn thông minh" là 1 trong 4 tiêu chí của xã nông thôn mới kiểu mẫu. Với sự nỗ lực của nhân dân và cán bộ thôn Phú Đôi, xã Đại Thắng là một trong những thôn hoàn thành xây dựng tiêu chí "thôn thông minh" theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.

tri-trung-px.jpg
Mô hình "thôn thông minh" được triển khai tại xã Tri Trung góp phần thay đổi đời sống người dân địa phương.

Trưởng thôn Phú Đôi, xã Đại Thắng Trần Văn Nội, cho biết, trước đây, mỗi khi có thông tin gì liên quan đến “việc làng, việc nước”, trưởng thôn phải thông báo trên loa truyền thanh hoặc tìm đến từng hộ dân để báo tin. Từ khi "thôn thông minh" được triển khai xây dựng, thôn đã thành lập nhóm Zalo với sự tham gia của đại diện tất cả các hộ. Mọi thông tin được tuyên truyền, phổ biến đến người dân nhanh chóng. Từ đó, giúp việc thực hiện các nhiệm vụ, công việc chung của thôn được triển khai kịp thời, thuận lợi.

Anh Nội bộc bạch, khi bắt tay vào xây dựng "thôn thông minh", việc đầu tiên chúng tôi làm là thành lập nhóm Zalo của thôn. Thôn có 500 hộ dân, chủ yếu làm nghề nên đều rất bận rộn. Mọi giấy mời, thông báo hoặc tuyên truyền về chính sách pháp luật… được truyền tải nhanh chóng, kịp thời, người dân có lỡ “quên” lịch công việc nào đó của địa phương là được nhắc, gửi thông tin ngay; đồng thời, thành lập các kênh hỗ trợ bán hàng làng nghề truyền thống của địa phương: Màn tuyn, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí, sản phẩm OCOP, nông sản địa phương... được người dân ủng hộ. Qua đó, việc huy động, xã hội hóa nhiều nội dung số rất thuận lợi.

d0ac0a4393c33a9d63d2.jpg
Cán bộ xã Đại Thắng hướng dẫn doanh nghiệp cài đặt và sử dụng ứng dụng truy xuất nguồn gốc QR code.

Không những thế, việc chuyển đổi số với thanh niên ở thôn Phú Đôi đang mang lại cơ hội làm giàu. Phú Đôi là một trong những làng nghề có số lượng bán hàng online, quảng cáo sản phẩm làng nghề nổi tiếng. Từ chỗ làng nghề ít người biết đến, nay nhờ quảng bá qua công nghệ và mạng xã hội, làng nghề mộc, kim cơ khí… của địa phương được nhiều người biết đến. Đặc biệt hơn, khi toàn bộ hộ sản xuất cùng tham gia, địa phương dễ dàng tuyên truyền để việc kinh doanh đúng pháp luật, giữ uy tín, chất lượng, thương hiệu cho làng nghề.

Anh Trần Tuấn Hải, chủ một shop chuyên bán sản phẩm đặc sắc của làng nghề Phú Đôi chia sẻ về lợi ích của "thôn thông minh": "Trước đây, cuộc sống bận rộn, mạnh ai nấy làm, nhưng nay nhờ công nghệ mà tình làng nghĩa xóm keo sơn hơn, ai có việc gì là chia sẻ, giúp đỡ, động viên kịp thời. Thêm nữa, việc buôn bán cũng thuận lợi hơn trước. Anh em trong các nhóm Tổ công nghệ số cộng đồng, nhóm Zalo nhân dân thôn đều vận động nhau bán hàng đúng giá, đúng chất lượng, xây dựng thông tin minh bạch, phục vụ khách hàng tốt nhất để làng nghề phát triển hơn nữa".

Không chỉ ở Đại Thắng, việc xây dựng "thôn thông minh" cũng đã đem tới nhiều thay đổi với đời sống của người dân xã Tri Trung. Phó Công an xã Tri Trung Nguyễn Đức Tôn thông tin, UBND xã thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn xã với 16 thành viên do Trưởng thôn làm tổ trưởng, thành viên là đoàn viên thanh niên, hội viên chi hội phụ nữ, công an viên thôn, tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh thôn trên địa bàn 2 xã về việc cài đặt, sử dụng ứng dụng công nghệ số trong các lĩnh vực phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.

Đoàn thanh niên, công an xã… đến từng hộ gia đình hướng dẫn cài đặt VneID, VssID, khuyến khích doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh thực hiện thanh toán điện tử; đăng tải nội dung hướng dẫn trên nhóm Zalo của Tổ công nghệ số cộng đồng, nhóm Zalo nhân dân thôn để người dân kịp thời tìm hiểu, sử dụng; đăng tải nội dung thông báo, tuyên truyền các nội dung về thông tin kinh tế, chính trị của địa phương.

Mô hình hay cần nhân rộng

Phó Chủ tịch UBND xã Tri Trung Ngô Văn Hùng chia sẻ: Cách xây dựng thôn "thôn thông minh" thành công của địa phương là đoàn thanh niên, công an… cùng vào cuộc hướng dẫn người dân đăng tải, cài đặt, sử dụng các ứng dụng chuyển đổi số gồm: Ứng dụng tài khoản ngân hàng để thanh toán điện tử (như đăng ký và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, sổ sức khỏe điện tử; thanh toán hóa đơn tiền điện, phí sử dụng mạng internet, cước phí điện thoại, mua hàng trên sàn thương mại điện tử...), các ứng dụng: Zalo, Facebook, TikTok, trình duyệt Web... để giao tiếp, quảng bá và bán sản phẩm, cập nhật và thông báo các thông tin kinh tế - xã hội, dịch vụ xã hội liên quan đến thôn...

e8c62c6eb9ee10b049ff.jpg
Cán bộ xã Tri Trung hướng dẫn người dân sử dụng sổ sức khỏe điện tử...

Trưởng phòng Nội vụ huyện Phú Xuyên Lại Đỗ Quyên cho hay, tại "thôn thông minh" còn huy động nguồn vốn xã hội hóa lắp đặt hệ thống wifi tốc độ cao miễn phí tại các điểm dân cư tập trung, khu vực công cộng như đình làng, nhà văn hóa thôn trên địa bàn xã. Mỗi "thôn thông minh" phối hợp với Ban công an xã lắp đặt 5 camera an ninh giám sát đặt tại các trục đường chính có đông dân cư và các vị trí quan trọng của thôn.

Ngoài ra, trên địa bàn mỗi thôn có 122 hộ đã lắp camera gia đình riêng phục vụ công tác giám sát bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn. Các thôn đều có điểm truy cập wifi miễn phí dung lượng cao tại các điểm công cộng cho người dân truy cập. Các tổ công nghệ số cộng đồng hỗ trợ tuyên truyền tới người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến và thông tin chính thức của chính quyền hiệu quả, tạo được 5 kênh mạng xã hội, fanpage để tuyên truyền và trao đổi thương mại...

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Mạnh Huy nhấn mạnh, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đặt ra tiêu chí, xã nông thôn mới kiểu mẫu phải có ít nhất một mô hình thôn (xóm) nông thôn mới thông minh. Chính vì vậy, địa phương đang đẩy mạnh xây dựng các thôn, xã hiện đại.

“Thôn thông minh” không chỉ là vấn đề đặt ra với nông thôn mới kiểu mẫu mà còn là xu thế phát triển tất yếu của nông thôn trong thời đại công nghệ 4.0. Qua thời gian thực hiện mô hình tại 2 xã Đại Thắng, Tri Trung, mô hình có thể áp dụng với một số địa phương khác, góp phần tăng tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến, nâng cao chỉ số cải cách hành chính của xã, giúp người dân tiếp cận công nghệ, chuyển đổi số hiệu quả, nhanh chóng, hữu dụng hơn rất nhiều. Thời gian tới, Phú Xuyên tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng nhiều "thôn thông minh" trên địa bàn để người dân, doanh nghiệp… hưởng lợi từ công cuộc chuyển đổi số quốc gia...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần nhân rộng "thôn thông minh" ở Phú Xuyên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.