Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dấu ấn nhà giáo trong hành trình đổi mới giáo dục

Minh Đức| 20/11/2022 08:20

(HNM) - Với tinh thần “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, các địa phương luôn ưu tiên đầu tư cho sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, trong đó quan tâm đến đội ngũ nhà giáo - lực lượng chủ lực, có ý nghĩa quan trọng đối với chất lượng giáo dục. Nhận thức được sứ mệnh, các nhà giáo luôn nỗ lực tự học, sáng tạo và tích cực đổi mới, để lại dấu ấn tự hào trong hành trình đổi mới giáo dục.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với các nhà giáo tiêu biểu. Ảnh: VGP

Những người truyền lửa

Là một trong 100 nhà giáo được Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vinh danh và trao Giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” lần thứ III-2022, cô giáo người dân tộc Chăm - Thạch Thị Ngọc Trân (Trường Phổ thông dân tộc nội trú Pi Năng Tắc, tỉnh Ninh Thuận) khiến nhiều người cảm phục. Ngôi trường nơi cô giáo Trân dạy cách nhà 70km, nhưng suốt 9 năm qua cô vẫn kiên trì bám trường. Ở địa bàn vùng núi, việc vận động học sinh đến lớp đã khó, “giữ chân” học sinh còn khó hơn nhiều. Có một học sinh lớp 6 mới vào trường nội trú mà thường xuyên bỏ học, cô Trân tìm đến nhà động viên, nhưng em trốn lên rẫy. Sau nhiều lần, học sinh này mới thổ lộ nguyên nhân là do gia đình nghèo, đi lại khó khăn, nhà lại cách trường tới 40km... Không ngại vất vả, hằng tuần cô Trân đều đến nhà chở học sinh đến trường. Đến nay, em học sinh định bỏ học ngày nào đã trở thành sinh viên đại học năm thứ hai và đang theo đuổi ước mơ làm nghề giáo.

Còn ở Hà Nội, tấm gương nhà giáo Nguyễn Đức Trường, Trường Trung học cơ sở Đa Tốn, huyện Gia Lâm được nhiều người biết đến và khâm phục bởi ý chí, nghị lực vượt khó. Mắc chứng teo cơ do ảnh hưởng của người bố bị nhiễm chất độc hóa học, 7 tuổi mới biết đi, song vượt lên số phận, thầy Trường trở thành một nhà giáo mẫu mực. Sức khỏe yếu, việc di chuyển rất khó khăn, nhưng thầy Trường chưa một ngày nản chí. Thầy Trường còn là chủ biên và đồng tác giả của hàng chục cuốn sách toán học; có nhiều sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố; tham gia bồi dưỡng hàng trăm học sinh giỏi quốc gia, quốc tế... Năm 2020, thầy Trường được UBND thành phố Hà Nội vinh danh là Công dân ưu tú Thủ đô.

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều tấm gương nhà giáo trên khắp mọi miền đất nước đang miệt mài cống hiến và sẵn sàng vượt khó. Họ không chỉ dạy kiến thức, mà còn giáo dục học sinh bằng chính cuộc đời của mình, đồng thời là những người truyền lửa nhiệt huyết cho đồng nghiệp.

Gặt hái quả ngọt

Cả nước hiện có hơn 1,3 triệu nhà giáo. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của ngành Giáo dục và Đào tạo cùng sự nỗ lực bền bỉ của đội ngũ nhà giáo đã đem lại nhiều quả ngọt, tạo nên dấu ấn quan trọng trong hành trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhất là trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Giáo dục và Đào tạo đã đạt nhiều kết quả tích cực. Kết quả ấy có đóng góp lớn của đội ngũ nhà giáo. Theo đó, Việt Nam được xếp vào tốp 10 Hệ thống giáo dục đổi mới hàng đầu thế giới năm 2018. Hằng năm, trong các chương trình đánh giá học sinh quốc tế lứa tuổi 15, học sinh Việt Nam đều đạt kết quả ấn tượng, vượt qua mức trung bình của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) - đơn vị xây dựng chương trình. Hiện nay, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ở các khối lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 bước đầu đem lại hiệu quả, tạo tiền đề để toàn ngành tự tin triển khai với các khối lớp còn lại.  

Những cống hiến quan trọng của đội ngũ nhà giáo còn góp phần nâng chất lượng giáo dục mũi nhọn, khẳng định vị thế của giáo dục Việt Nam với quốc tế. Đơn cử, giai đoạn 2018-2022, 175/175 học sinh Việt Nam dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế đều đoạt giải. Trong đó, có những cái tên rất ấn tượng, như: Nguyễn Phương Thảo (Trường Trung học phổ thông chuyên khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), giành Huy chương vàng Olympic sinh học quốc tế năm 2018, đạt tổng điểm cao nhất kỳ thi này. Hay em Nguyễn Mạnh Quân (Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam) đoạt Huy chương vàng Olympic vật lý châu Á - Thái Bình Dương năm 2021.

Ngành Giáo dục và Đào tạo đang có những bước đi căn bản, vững chắc trong hành trình đổi mới. Trên con đường đó, các thế hệ nhà giáo Việt Nam bằng trí tuệ, tâm huyết, tình yêu nghề và đức hy sinh đã, đang âm thầm đóng góp quan trọng làm nên những dấu ấn tự hào trong sự nghiệp “trồng người”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn nhà giáo trong hành trình đổi mới giáo dục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.