Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cân nhắc kỹ khi sử dụng nội tạng động vật làm thức ăn

Sa Chi| 23/10/2020 07:32

(HNM) - Nội tạng động vật như gan, thận, tim, dạ dày... có hàm lượng calo tương tự như thịt nạc (từ 100 đến 150 calo mỗi 100g) và có cùng hàm lượng protein, hàm lượng chất béo, nhưng chất béo bão hòa và cholesterol cao hơn so với thịt nên nếu tiêu thụ nhiều sẽ làm tăng mỡ máu có hại cho tim mạch.

Theo các bác sĩ Viện Dinh dưỡng quốc gia, nội tạng động vật chỉ cung cấp đầy đủ các thành phần dinh dưỡng khi nó tuyệt đối an toàn. Bảo đảm an toàn vệ sinh phải bao gồm: Nguồn gốc xuất xứ của nội tạng từ con vật khỏe mạnh, được nuôi theo đúng quy trình thực hành chăn nuôi tốt, thực hành thú y tốt và quá trình giết mổ, vận chuyển, bảo quản… đến tay người tiêu dùng đều phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cũng như các thực phẩm nguồn gốc động vật khác, chất lượng nội tạng phụ thuộc vào chất lượng thức ăn chăn nuôi, điều kiện vệ sinh, giết mổ, vận chuyển và chế biến. Nếu một trong các khâu đó không an toàn, như thức ăn chăn nuôi nhiễm hóa chất hoặc dùng quá nhiều kháng sinh... sẽ để lại dư lượng hóa chất, thuốc thú y cao trong thực phẩm. Đặc biệt, nội tạng động vật là nơi tiêu hóa thức ăn, chứa cặn bã thức ăn; chưa kể nếu lợn nhiễm liên cầu khuẩn, thì trong máu, ruột và thịt sẽ chứa một lượng lớn vi khuẩn.

Khi ăn các sản phẩm như tiết canh, lòng, nem chua... chưa được nấu chín thì liên cầu khuẩn từ thức ăn đó sẽ xâm nhập vào cơ thể người và gây bệnh. Ở Việt Nam, hơn 70% bệnh nhân mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh, lòng lợn chưa chín. Người nhiễm bệnh có triệu chứng viêm não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim, viêm khớp và tỷ lệ tử vong khoảng 7%... Vì vậy, người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ khi sử dụng nội tạng động vật làm thức ăn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cân nhắc kỹ khi sử dụng nội tạng động vật làm thức ăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.