Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cân nhắc kỹ khi chọn nguyện vọng

Thống Nhất| 05/04/2018 06:54

(HNM) - Từ nay tới ngày 20-4, khoảng 860.000 thí sinh trên cả nước sẽ phải hoàn thành việc đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018. Đây là khâu có tác động trực tiếp đến kết quả của kỳ thi quan trọng này.


Những điều đặc biệt lưu ý

Với con số hơn 79.000, Hà Nội là địa phương có lượng thí sinh đông nhất cả nước. Ngành Giáo dục Thủ đô đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức cho thí sinh cập nhật các quy định, đặc biệt là những điểm mới của kỳ thi và tuyển sinh năm nay, đồng thời phát hành phiếu đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng đến từng đơn vị.

Ông Bùi Quang Thái, Phó Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) nhấn mạnh: Nếu đang là học sinh lớp 12 năm học 2017-2018, các em phải đăng ký dự thi tại nơi đang học, không đăng ký dự thi ở trường khác. Thí sinh tự do đăng ký tại các điểm thu nhận hồ sơ của Phòng Giáo dục và Đào tạo. Thí sinh phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về thông tin khai trong phiếu đăng ký. Vì vậy, việc bảo đảm tính chính xác và đầy đủ của thông tin là điều các em cần ghi nhớ khi đặt bút viết vào phiếu.

Chuyên gia tư vấn chọn nguyện vọng dự thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018 cho học sinh Hà Nội.


Cũng theo ông Bùi Quang Thái, năm nay, ngoài việc đăng ký các bài thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh đồng thời đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Vì vậy, ngoài phần khai thông tin cá nhân như mọi năm, thí sinh lưu ý phải điền đủ cả hai phần trong phiếu đăng ký dự thi, gồm: Phần thông tin để xét công nhận tốt nghiệp THPT và phần thông tin để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên. Nếu thí sinh có nguyện vọng dự thi vào trường nghề và các trường không thuộc quyền quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì không đăng ký phiếu này.

Ở phần đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo không hạn chế số lượng nguyện vọng, song yêu cầu bắt buộc với mọi thí sinh là phải ghi tổng số nguyện vọng đăng ký và xếp lần lượt theo thứ tự ưu tiên.

Để tránh sai sót ảnh hưởng đến quyền lợi học tập của mình, thí sinh lưu ý ghi chính xác mã trường, mã ngành/nhóm ngành, tên ngành/nhóm ngành, tổ hợp xét tuyển theo quy định của trường. Nếu ghi sai, nguyện vọng đó sẽ không được nhập vào hệ thống phần mềm để trường xét tuyển. Trong trường hợp thí sinh đăng ký vào các trường thuộc lực lượng vũ trang (công an, quân đội) thì nguyện vọng vào trường này phải được đặt là nguyện vọng 1.

Chọn bài tổ hợp nào?

Đây là năm thứ hai Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thí sinh lựa chọn bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) hoặc khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) hoặc chọn thi cả 2 bài thi tổ hợp để đăng ký dự thi. Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) nhận định: Việc chọn trọng tâm vào một bài thi để tránh phải học nhiều môn mà hiệu quả không cao là chủ trương của trường khi xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 12 ngay từ đầu năm học.

Trong số hơn 600 học sinh của trường tham gia kỳ khảo sát toàn thành phố vào cuối tháng 3 vừa qua, tỷ lệ học sinh chọn đăng ký thi bài tổ hợp khoa học xã hội và khoa học tự nhiên của trường ngang nhau, rất ít học sinh chọn cả hai bài tổ hợp.

Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng thuận lợi như vậy. Theo ghi nhận, nỗi lo lớn nhất của giáo viên các trường hiện nay là việc hướng dẫn, hỗ trợ học sinh ra sao để các em có quyết định dứt khoát trong việc lựa chọn bài thi khoa học tự nhiên, khoa học xã hội hay cả 2 bài tổ hợp để điền vào phiếu đăng ký dự thi. Đại diện Ban Giám hiệu Trường THPT FPT cho biết: Đến nay nhiều học sinh vẫn chưa quyết định được nên đăng ký bài thi tổ hợp nào, khiến việc học và ôn tập dàn trải, kém hiệu quả.

Em Lưu Minh Quân (Trường THPT Phan Đình Phùng) băn khoăn: Em thích ngành Công nghệ kỹ thuật hoặc Công nghệ môi trường nên dự định đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học khối A06 với tổ hợp gồm toán, hóa học và địa lý, song việc học để thi cả 2 bài tổ hợp khá vất vả. Em rất lo lắng vì thời gian không còn nhiều, trong khi khối lượng kiến thức khá lớn.

Theo Tiến sĩ Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Quy chế thi THPT quốc gia cho phép thí sinh được chọn dự thi cả 2 bài thi tổ hợp, điểm bài nào cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời cũng cho thí sinh thêm cơ hội đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng.

Tuy nhiên, với quy định thí sinh học chương trình THPT phải dự thi tối thiểu 4 bài thi, bao gồm 3 bài độc lập là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 trong 2 bài tổ hợp, các em phải thi 6 môn. Nếu dự thi cả 2 bài tổ hợp, các em sẽ phải thi tới 9 môn. Việc thi cả 2 bài tổ hợp sẽ cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng ở nhiều khối nhưng không đồng nghĩa với việc tăng khả năng trúng tuyển.

Kết quả thi mới là yếu tố quyết định khả năng trúng tuyển của thí sinh. Vì vậy, điều quan trọng nhất là các em nên chọn học và đăng ký dự thi có trọng tâm vào một bài thi mà bản thân yêu thích và có năng lực nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cân nhắc kỹ khi chọn nguyện vọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.