Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần nghiêm trị những đối tượng làm giả thuốc điều trị Covid-19

Thanh Tàu| 15/09/2021 16:17

(HNMO) - Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện nhiều đối tượng làm giả, nhập lậu thuốc điều trị Covid-19, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Các cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều đường dây dạng này và cảnh báo người dân cẩn trọng.

Bộ Công an triệt phá đường dây buôn lậu thuốc tân dược giả tại thành phố Hồ Chí Minh.

Liên tiếp bắt giữ các đối tượng làm giả thuốc điều trị Covid-19

Lợi dụng tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đang diễn biến phức tạp, một số đối tượng đã nhập lậu các mặt hàng y tế không qua kiểm định, không bảo đảm chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Để qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng thường lợi dụng mạng xã hội làm nơi buôn bán, sau đó, tìm những địa điểm, địa hình đi lại khó khăn… để làm nơi cất giấu hàng hóa.

Điển hình, ngày 9-9-2021, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an phối hợp Công an thành phố phát hiện đường dây có dấu hiệu buôn lậu thuốc tân dược và các loại vật tư y tế.

Qua công tác nghiệp vụ, C03 phát hiện xe ô tô tải biển kiểm soát 51D-48390 do Trần Văn Hoàng (38 tuổi, trú tại huyện Giồng Giềng, tỉnh Kiên Giang) điều khiển, chở 400 hộp thuốc tân dược nhãn hiệu ‘‘Liên Hoa Thanh Ôn’’ từ kho của Công ty TNHH Thương mại và sản xuất TOYO (địa chỉ số 40 đường số 3, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân).

Điều tra mở rộng, C03 phối hợp các lực lượng kiểm tra kho hàng của công ty này, phát hiện 9.200 hộp thuốc ‘‘Liên Hoa Thanh Ôn’’ được quảng cáo có tác dụng hỗ trợ điều trị Covid-19, chưa được kiểm định, cấp phép lưu hành tại Việt Nam…

Nơi các đối tượng làm giả thuốc điều trị Covid-19 là tại phòng vệ sinh.

Xe chở thuốc giả.

Trước đó, ngày 25-8, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03), Công an thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt giam đối với Nguyễn Đức Thuận (sinh năm 1975, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Dương Quốc Chính (sinh năm 1960, ngụ quận Gò vấp) và Nguyễn Thị Kim Tuyến (sinh năm 1971, ngụ quận 11) về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh”.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, ngày 20-8, các trinh sát Phòng PC03 phát hiện Thuận chở theo thùng carton hàng hóa nên chặn lại kiểm tra. Qua kiểm tra, phát hiện có 150 hộp thuốc điều trị Covid-19 mang nhãn hiệu Terpincodein. Làm việc với cơ quan công an, Thuận khai nhận số thuốc này là giả. Thuận tự mua nguyên liệu và cùng đồng bọn sản xuất số thuốc giả, bán ra thị trường kiếm lời.

Ngay sau đó, lực lượng chức năng tiếp tục khám xét tại 3 địa điểm ở quận 8, Tân Bình và Phú Nhuận, thu giữ 630.000 viên tân dược giả, phương tiện sản xuất thuốc và lượng lớn nguyên liệu. Trong đó có 3.116 hộp thuốc phòng, chữa trị Covid-19 giả các nhãn hiệu Neo - Cordion, Augmentin; 2,5kg viên thuốc màu trắng không nhãn hiệu dùng để sản xuất thuốc Fugacar giả; 100 vĩ Neo-codien; 100 lọ thuốc Staragan 500 loại 200 viên/lọ; 50 lọ thuốc staragan đã bóc nhãn hiệu…

Còn vào ngày 10-8, Cục Quản lý thị trường thành phố phối hợp với Đội 6 - Phòng PC03 và Công an phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân kiểm tra đối với điểm chứa và kinh doanh hàng hóa tại địa chỉ số 314/48/16 tỉnh lộ 10, khu phố 14, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, do ông Nguyễn Ngọc Bảo (sinh năm 1999) là chủ hàng hóa.

Qua kiểm tra phát hiện, số tân dược khoảng 64.800 viên thuốc “Liên Hoa Thanh Ôn” không có số đăng ký lưu hành, do Trung Quốc sản xuất, được trình bày là có tác dụng giảm sốt, ho, cảm cúm… được ông Bảo mua trôi nổi tại thị trường trong nước để bán kiểm lời.

Thuốc điều trị Covid-19 giả.

Người dân hết sức cẩn trọng

Thượng tá Phạm Văn Thành, Trưởng phòng PC03, Công an thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc phát hiện, khám phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc phòng, chữa trị Covid-19 giả nêu trên đã góp phần ngăn chặn kịp thời việc đưa số hàng giả này ra tiêu thụ trên thị trường, bảo vệ quyền lợi, an toàn, sức khỏe cho người dân, nhất là các bệnh nhân đang tự chữa trị Covid-19 tại nhà hoặc tại các cơ sở y tế. Đồng thời răn đe, cảnh tỉnh các đối tượng đã và đang có ý định lợi dụng tình hình dịch bệnh để hoạt động phạm pháp nhằm trục lợi bất chính.

Ông Lê Minh Hưng (ngụ phường 6, quận 8) chia sẻ: “Tôi mong cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, bắt giữ và đưa ra trừng trị trước pháp luật nghiêm minh, để làm gương cho các đối tượng đang và chuẩn bị có hành vi buôn bán và làm giả thuốc”.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh thông tin, thuốc kháng vi rút SARS-CoV-2 hiện là thuốc thử nghiệm, người bệnh phải được bác sĩ chỉ định và ký cam kết.

“Hiện nay, chỉ có các đơn vị sản xuất thuốc tài trợ để phát cho các F0, chưa có loại thuốc được cấp mã số để bán. Người dân nên cảnh giác vì có thể (nếu mua) là thuốc giả. Ngành y tế địa phương cần đẩy nhanh tiến độ cấp phát thuốc cho F0 tại nhà sao cho đúng người, đúng đối tượng và kịp thời”, bà Lan thông tin.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần nghiêm trị những đối tượng làm giả thuốc điều trị Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.