Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần ngăn chặn ngay các dấu hiệu đầu cơ

Lan Hương| 07/04/2010 15:10

(HNMO) - Trong tháng 3/2010, giá thép xuất xưởng tại các nhà máy vào khoảng 12,1 triệu đồng/tấn (chưa có VAT), đến ngày 7/4, giá thép đã vọt lên thành 14,1 triệu đồng/tấn. Như vậy chỉ trong vòng 1 tháng, giá thép đột ngột tăng 2 triệu đồng /tấn. Thị trường thép đang gây sốc với chính nhà sản xuất và người tiêu thụ là các chủ công trình, dự án lớn. Đáng chú ý là do thị trường thép được dự báo có xu hướng tiếp tục tăng nên đã xuất hiện yếu tố đầu cơ cần ngăn chặn.



Giá thép tăng cao vì sao?

Tại thị trường trong nước, sau Tết âm lịch, nhiều mặt hàng nguyên liệu đầu vào của ngành sản xuất tăng giá như: xăng dầu, điện, than… Các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn hơn do sang năm 2010, Nhà nước cắt bỏ những ưu đãi để vượt qua khủng hoảng như năm 2009, lãi suất vay vốn ngân hàng cũng phải thỏa thuận ở mức cao hơn…Tuy nhiên, những khó khăn chung trên không quá lớn để làm ngành thép tăng vọt giá mà nguyên nhân chính do giá nhập khẩu phôi, thép phế liệu tăng phi mã.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, mới đây nhà cung cấp quặng sắt lớn nhất thế giới - Australia (chiếm 75% trữ lượng quặng thế giới) đã tuyên bố sẽ tăng giá quặng lên 40-50% (từ hơn 80 USD lên 140-150 USD/tấn) so với năm 2009, và chỉ bán theo quý chứ không ký hợp đồng dài hạn để tiếp tục tăng giá trong thời gian tới. Giá than mỡ nhập khẩu cũng tăng hơn 80%. Giá gang luyện thép cũng tăng cao. Theo đó, từ tháng 04/2010, một mặt bằng giá nguyên liệu mới được áp dụng cho tất cả các quốc gia sản xuất thép, trong đó có Việt Nam.

Còn theo báo cáo của Tổ điều hành thị trường trong nước, giá phôi nhập khẩu hiện đã tăng hơn 40%. Đến cuối tháng 3/2010, giá phôi đã tăng từ 580 lên 614USD/tấn. Như vậy, giá nhập khẩu phôi tháng 3/2010 tăng 70-80USD/tấn so với tháng 2/2010 và tăng 115-130USD/tấn so với tháng 12/2009. Mặc dù từ cuối năm 2009, một số lò điện đi vào hoạt động đã giúp ngành thép tự chủ được hơn 60% (3 triệu tấn) nhu cầu phôi cho sản xuất trong nước, nhưng Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo năm nay, ngành thép vẫn sẽ phải nhập 2 triệu tấn phôi (năm 2009 là 2,4 triệu tấn) cho nhu cầu sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải nhập đến 70% thép phế liệu, trong khi đó, giá thép phế liệu nhập khẩu cũng tăng hơn 70%, hiện đang vào khoảng 430-460USD/tấn.

Phân tích về việc giá nguyên liệu đầu vào cho thị trường thép tăng rất nhanh trong thời gian qua, ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, việc kinh tế thế giới đang phục hồi đã kéo theo nhu cầu sử dụng thép tăng cao. Hiện hầu hết các nước đều tập trung đẩy mạnh thị trường tiêu thụ nội địa nên việc xuất khẩu nguyên liệu sang các nước khác bị hạn chế. Trong khi đó, một số ít nước có tài nguyên dồi dào về quặng như Australia, Brazil… lại có điều kiện để ép giá các nhà nhập khẩu. Hơn nữa, mặc dù các nhà nhập khẩu Việt Nam đã đau đầu vì phải chịu ký giá hợp đồng mua nguyên liệu cao mà nhiều khi còn bị đối tác nước ngoài “xù” không thực hiện để còn chờ đẩy giá lên nữa. Trong khi đó, ngành thép có đặc thù là tái sản xuất liên tục, nguyên liệu nhập về phải đưa vào sản xuất trong thời gian ngắn, không lưu kho lâu ngày do nguy cơ đọng vốn và tốn kém chi phí lưu kho (phôi, thép phế liệu nhập về cho sản xuất có khối lượng rất lớn). Sản phẩm của nhà máy xuất xưởng bán nối của tháng trước để có tài chính tiếp cận với giá phôi, thép phế liệu mới cho tháng sau. Vì thế, khi giá phôi, thép phế liệu trên thị trường thế giới thay đổi sẽ ảnh hưởng ngay đến thị trường thép trong nước.

Nước ta hiện có hơn 30 đơn vị sản xuất thép, trong đó hơn một nửa hiện đang rơi vào tình trạng lỗ, thậm chí có doanh nghiệp cận kề mức phá sản. Hoạt động sản xuất hiện nay gặp khó càng làm cho doanh nghiệp khó khăn hơn.


Cần ngăn chặn tình trạng đầu cơ thép

Theo ông Cường, trung bình hàng tháng các nhà máy thép tiêu thụ được khoảng 450.000 tấn/tháng, nhưng trong tháng 3/2010 vừa qua, mức tiêu thụ vọt lên thành 560.000 tấn/tháng. Mức tiêu thụ bất thường này không phải do các công trình xây dựng tăng nhu cầu đột biến mà hiện đang nằm ở các công ty thương mại, mua găm hàng, chờ giá lên cao để bán.

Trước những dấu hiệu đầu cơ mặt hàng thép trên, Liên Bộ Tài chính, Công Thương vừa quyết định thành lập đoàn kiểm tra đến một số nhà máy và hệ thống phân phối. Mục tiêu của việc kiểm tra này là giám sát chặt việc tiêu thụ thép không để việc đầu cơ, tích trữ, làm lũng đoạn thị trường. Mặt khác, Theo Tổ điều hành thị trường trong nước, nhu cầu sử dụng thép của thế giới có xu hướng tăng mạnh trở lại nên giá nguyên liệu sẽ còn tăng từ nay đến cuối năm và giá thép sẽ khó giảm trong thời gian tới. Trong khi đó, Việt Nam đang đứng đầu các nước Đông Nam Á về nhu cầu tiêu thụ thép (năm 2008 là 8,7 triệu tấn, năm 2009 là 11,7 triệu tấn, dự báo năm 2010 sẽ tăng thêm 10-15%).

Trước những khó khăn trên, Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết các doanh nghiệp vẫn sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ bình ổn thị trường, không để thiếu thép, không đầu cơ tích trữ, gian lận thương mại làm tổn hại đến quyền lợi người tiêu dùng và uy tín của ngành thép; Việc tăng giá thép hiện nay là bất khả kháng. Tuy nhiên, Hiệp hội Thép khuyến cáo các doanh nghiệp hiện nay cần tiếp tục hợp lý hóa sản xuất, tiết giảm chi phí, tăng năng xuất để giảm giá thành sản phẩm; tăng sản xuất phôi để giảm phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu. Với giá thép tăng mạnh gần đây, ông Cường nhận định, thị trường xây dựng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Theo đó, các công trình nhà nước nếu đang thực hiện phải làm lại dự toán còn khối tư nhân phải tính thêm vào giá thành sản phẩm.

Trao đổi với PV HNM, đại diện của Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam cho biết: Tập đoàn đang đầu tư các dự án đô thị có tính chất dài hạn, tính theo chu kỳ hàng năm, nay giá thép biến động lớn sẽ không ảnh hưởng ngay đến giá nhà ở, chung cư… bán ra thị trường nhưng về lâu dài chắc chắn sẽ làm đội chi phí giá thành sản phẩm lên. Đồng tình với quan điểm trên, đại diện Tập đoàn Nam Cường, đơn vị đang xây dựng khu đô thị lớn Dương Nội (173 ha ở quận Hà Đông), đô thị mới Cổ Nhuế, đường trục phía Bắc, đường Lê Văn Lương kéo dài… và nhiều công trình khác ở Hà Nội cho hay: Do giá thành nhiều mặt hàng nguyên nhiên vật liệu trong thời gian qua không ngừng biến động, nên ngay từ khi lập dự án, Tập đoàn đã phải tính đến các yếu tố trượt giá. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng có các công ty thành viên chủ động cung cấp khoáng sản, vật liệu xây dựng. Do đó, hiện giá bán sản phẩm của Nam Cường chưa có biến động nhiều.

Có thể thấy, về ngắn hạn thị trường xây dựng, bất động sản không bị tác động lớn do giá thép tăng, nhưng về dài hạn, nếu giá thép và các loại nguyên nhiên vật liệu khác tăng cao, tăng kéo dài, một mặt bằng giá mới có thể hình thành; cần được Nhà nước kiểm soát để chống lạm phát.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần ngăn chặn ngay các dấu hiệu đầu cơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.