Cần nghiên cứu sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng nâng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách cho HĐND cấp tỉnh.
Chiều 25-3, Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024 tiếp tục diễn ra với nội dung tham luận, thảo luận của các đại biểu.
Phối hợp chặt chẽ giữa HĐND và UBND
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Thanh Bình: Công tác phối hợp chặt chẽ giữa UBND tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh trong việc chuẩn bị kỳ họp rất quan trọng, chiếm phần lớn khối lượng công việc kỳ họp. Để công tác chuẩn bị nội dung kỳ họp kịp thời, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo đôn đốc rà soát các văn bản của trung ương, căn cứ các hoạt động thực tế địa phương và đề nghị xây dựng nghị quyết của Thường trực HĐND tỉnh xem xét, đưa vào chương trình kỳ họp sớm, để bảo đảm thời gian triển khai nghị quyết đạt chất lượng.
“Trước mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp với các cơ quan liên quan để xây dựng dự kiến chương trình kỳ họp, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị xây dựng báo cáo, tờ trình, thực hiện đầy đủ quy định về thời gian, nội dung trình HĐND tỉnh…”, đồng chí Lê Thanh Bình nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Thanh Bình khẳng định, nhờ công tác phối hợp giữa UBND tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh thường xuyên, liên tục, chặt chẽ trong suốt quá trình chuẩn bị nội dung kỳ họp nên đa số các nội dung UBND tỉnh trình tại kỳ họp được đại biểu HĐND thống nhất cao, 100% dự thảo nghị quyết được HĐND tỉnh biểu quyết thông qua.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những khó khăn, bất cập trong công tác phối hợp, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho rằng UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh cần thường xuyên theo dõi, đánh giá việc phối hợp công tác giữa hai bên, đánh giá chính xác hiệu quả và những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện, kịp thời họp rút kinh nghiệm để có giải pháp hiệu quả.
Đồng thời, HĐND tỉnh cần tiếp tục tăng cường kỳ họp chuyên đề để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và những vấn đề liên quan khác của địa phương. Ngoài ra, Thường trực HĐND tỉnh cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc gửi, nhận tài liệu kỳ họp HĐND tỉnh với tinh thần kỳ họp không giấy, tiết kiệm chi phí.
Làm rõ vai trò, vị trí của các ban HĐND
Nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của các ban của HĐND, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Yên Bái Triệu Thị Bình đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành Quy chế mẫu hoạt động của HĐND làm căn cứ pháp lý để HĐND các cấp triển khai thực hiện nhiệm vụ được thống nhất, đồng bộ. Cùng với đó, để chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ 2026-2031, căn cứ vào khối lượng, nội dung, nhiệm vụ phụ trách của mỗi ban của HĐND cấp tỉnh, Quốc hội cần nghiên cứu sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng nâng số đại biểu HĐND chuyên trách cho mỗi ban của HĐND cấp tỉnh, nhằm bảo đảm nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND.
Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Nhuần đề nghị sớm có quy định hướng dẫn về việc xây dựng nghị quyết không chứa quy phạm pháp luật để giải quyết một số tình huống cụ thể. Bởi theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, HĐND cấp huyện, cấp xã chỉ được ban hành nghị quyết để quy định những vấn đề được luật giao. Đơn cử, trong một số trường hợp nhất định, một số địa phương, đơn vị cấp huyện và cấp xã khi ban hành nghị quyết hỗ trợ một số mô hình cụ thể sẽ phải tuân thủ quy định về bộ thủ tục hành chính, mà bộ thủ tục hành chính chỉ được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật.
Cùng với đó, cần làm rõ vai trò, vị trí của các ban HĐND trong các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định liên quan. Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định rất rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của các ban HĐND nhưng thực tế, hầu hết đơn vị đều bố trí trưởng ban và phó trưởng ban hoạt động chuyên trách, như vậy tương ứng là hai lãnh đạo. Tuy nhiên, các Ban HĐND chưa được điều chỉnh trong một số văn bản quy phạm pháp luật, cũng như các quy định liên quan đến địa vị pháp lý, địa vị chính trị và điều kiện hoạt động của các ban HĐND. Do vậy, điều kiện để các ban HĐND thực hiện nhiệm vụ rất khó khăn.
Từ thực tiễn hoạt động, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc đề xuất cần phát huy tối đa sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, trước hết là Thường trực Tỉnh ủy; chủ động, tích cực tham mưu Thường trực Tỉnh ủy những vấn đề nóng được dư luận, cử tri, nhân dân quan tâm. Đồng thời, phát huy cao độ việc trao đổi thông tin giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND, các ban của HĐND về các lĩnh vực công tác có liên quan, bám sát quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ được giao, nội dung quy chế để xây dựng chương trình phối hợp cụ thể, nâng cao chất lượng hoạt động của các bên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.