(HNM) - Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” đang dần đến hồi kết mà chưa đạt mục tiêu như kỳ vọng.
Đề án dạy và học ngoại ngữ đề ra mục tiêu tốt đẹp, hướng đến sự hoàn thiện của hệ thống giáo dục quốc dân. Đề án xác định đổi mới toàn diện việc dạy, học ngoại ngữ; đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập; biến ngoại ngữ thành thế mạnh của người dân, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ mục tiêu lớn ấy, đề án vạch ra những mốc thời gian thực hiện cụ thể, trong đó, từ năm 2018 đến 2020, 100% học sinh phổ thông, học sinh học nghề, trung cấp chuyên nghiệp và sinh viên cao đẳng, đại học được học chương trình mới, được đào tạo tăng cường ngoại ngữ...
Quả thực, đây là những con số lý tưởng và có phần tuyệt đối với một chương trình có tầm quan trọng mang tính quốc gia. Nhưng tiếc thay, chưa có kết quả đạt được nào để minh chứng điều đó. Ngược lại, phổ điểm môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia của hai năm học gần đây nhất luôn... “đội sổ”.
Đề án thực hiện trong thời gian ngắn (2008-2020), nhưng ôm đồm quá nhiều tham vọng. Đề án xa rời thực tế bởi không xác định đúng xuất phát điểm của thực trạng dạy và học tiếng Anh nên dường như đã thất bại ngay từ đầu. Càng thực hiện, càng bị lún sâu hơn vào khó khăn khi cái gốc mang tính quyết định nhất là số lượng, chất lượng giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu. Chưa kể, việc dạy, học tiếng Anh mới chỉ chú trọng điểm số và thành tích. Những năm gần đây, việc liên kết giữa các trường học với các trung tâm ngoại ngữ cũng dần lộ bất cập khi mới chạy theo bề nổi (có giáo viên nước ngoài dạy) mà chưa chú trọng chất lượng bởi số học sinh/lớp ở mức cao nên hiệu quả tương tác kém...
Chín năm thực hiện đề án là chặng đường khá dài, nhưng chưa đủ để thay đổi một vấn đề quan trọng của hệ thống giáo dục quốc dân. Cần bỏ tâm lý “đốt cháy giai đoạn” bằng cách đánh giá đúng thực lực nền giáo dục. Trong đó, phải xác định số giáo viên thật sự đạt chuẩn trình độ, bởi đây là yếu tố sống - còn làm nên chất lượng dạy, học. Việc học cần thay đổi theo hướng để ứng dụng chứ không vì thành tích… Với mỗi vùng, miền, cần có mục tiêu, phương pháp riêng; nên chấp nhận sẽ có nơi đạt mục tiêu sớm, và có nơi về đích sau… Và quan trọng hơn hết là nền giáo dục cần thay đổi tư duy từ cốt lõi. Ấy là học đi đôi với hành; xóa bỏ định kiến coi trọng bằng cấp; phương pháp truyền dạy sáng tạo, theo đà phát triển của thời đại mới.
Với vị thế là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục của cả nước, việc dạy và học ngoại ngữ ở Hà Nội lại càng thiết thực hơn. Vì vậy, ngành Giáo dục thành phố phải có bước đi phù hợp, hướng đến sự thực chất với những yêu cầu cao hơn, khắt khe hơn trong giáo dục nói chung và môn tiếng Anh nói riêng.
Tiếp tục triển khai thực hiện đề án là cần thiết và phù hợp trong bối cảnh hiện nay, nhưng chúng ta cần có cách làm mới, phù hợp với thực tế hơn. Trách nhiệm này trước tiên thuộc về ngành Giáo dục và tiếp đến là cần sự chung tay của toàn xã hội. Vì vậy, trước mắt cần tổng kết đánh giá toàn diện về đề án, trên cơ sở “đại phẫu” sẽ phân tích, đánh giá đâu là điều tốt, đâu là điều chưa tốt để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, hoàn thiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.