Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần minh bạch về cơ chế tài chính để giúp bệnh viện công lập không sai phạm

Mai Hữu| 08/09/2022 17:20

(HNMO) - Chiều 8-9, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành hội nghị.

Đề xuất thông qua theo quy trình 3 kỳ họp

Báo cáo một số vấn đề lớn về tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được bố cục lại để rõ ràng, hợp lý hơn, điều chỉnh vị trí các chương, đồng thời bổ sung một số tên chương, tách thêm mục. Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm 12 chương, 119 điều, nhiều hơn 13 điều so với dự thảo đã trình Quốc hội.

Ban soạn thảo đề xuất bổ sung hai chính sách mới về thử nghiệm lâm sàng và quy định cho phép ban hành các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh bằng hình thức quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Về đề nghị bổ sung quy định cấm hành vi khuyến mại nhằm thu hút người đến khám bệnh, chữa bệnh, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, khuyến mại nếu áp dụng với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh sẽ có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh, gây lãng phí xã hội... nên cần quy định cấm tương tự như cấm khuyến mại thuốc chữa bệnh trực tiếp cho người dùng.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo.

Tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định giá khám bệnh, chữa bệnh được xác định dựa trên chi phí tính đầy đủ các yếu tố chi phí, phù hợp với khả năng chi trả và khuyến khích nâng cao chất lượng, phát triển kỹ thuật chuyên môn. Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí với ý kiến đề nghị Nhà nước cần quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân như đang thực hiện ở một số nước.

Về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề; giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tiêu chuẩn, chất lượng; đánh giá, chứng nhận chất lượng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; quy định chuyên môn kỹ thuật trong điều trị... còn nhiều ý kiến khác nhau, Thường trực Ủy ban Xã hội cho biết, các ý kiến góp ý này là xác đáng và sẽ tiếp tục cùng cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, thể hiện tại dự thảo Luật một cách phù hợp.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh là luật xương sống của ngành y tế, có tác động lớn đến người dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, một số nội dung lớn của dự thảo Luật còn chưa nhận được sự đồng thuận giữa các cơ quan, một số chính sách mới được ban soạn thảo đề xuất bổ sung mà chưa có đánh giá tác động, một số nội dung của dự thảo cần có sự kết nối, liên thông, đồng bộ với các luật khác. “Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội cân nhắc việc xem xét, thông qua dự thảo Luật theo quy trình 3 kỳ họp”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nói.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) thảo luận.

Nên bỏ cụm từ “xã hội hóa y tế” trong dự thảo Luật

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình), đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) đề nghị nên xem xét thông qua luật này tại 3 kỳ họp. Lý giải nguyên nhân, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cho rằng, đây là luật có ảnh hưởng lớn đến xã hội và nhiều lợi ích của người dân. Qua nghiên cứu, đại biểu cho rằng dự án Luật vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm, phân tích thấu đáo để khi được ban hành sẽ đi vào cuộc sống và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám, chữa bệnh và cả người bệnh.

Quan tâm đến điều khoản về hợp tác công - tư trong y tế, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) đề xuất bỏ cụm từ “xã hội hóa y tế”, bởi trong lịch sử của Việt Nam cũng như trên thế giới không thấy định nghĩa thế nào là xã hội hóa y tế. “Không thể xã hội hóa y tế bằng cách tư nhân bỏ tiền ra chung với bệnh viện mua máy đặt trong bệnh viện công để chia nhau lợi nhuận”, đại biểu khẳng định.

Đại biểu cho rằng, chỉ nên quy định 3 hình thức hợp tác công - tư trong y tế, gồm: Hình thức cho vay, hình thức thuê và hợp tác công - tư phi lợi nhuận. Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh là luật cực kỳ quan trọng, từ đó mong muốn thông qua dự thảo Luật tại kỳ họp thứ tư tới để gỡ vướng mắc trong ngành y tế hiện nay.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) phát biểu.

Với việc dự thảo Luật quy định giá khám bệnh, chữa bệnh được xác định dựa trên chi phí tính đầy đủ các yếu tố chi phí, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, chỉ quy định "tính đủ” thì sẽ không bảo đảm được về việc tính đúng. “Cần sửa đổi dự thảo Luật theo hướng nhấn mạnh tiêu chí "tính đúng, tính đủ" giá dịch vụ y tế, đồng thời quy định cụ thể về chủ thể xác định giá dịch vụ”, đại biểu nói.

Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) quan tâm đến cơ chế tài chính của bệnh viện công vì đây là nội dung hết sức quan trọng để giúp các bệnh viện công lập đi theo đúng định hướng, tránh những vi phạm, sai sót trong quá trình quản lý tài chính của người đứng đầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập. “Nên chăng cần có một điều về cơ chế tài chính nhưng trong bản dự thảo cuối cùng chưa thấy có điều riêng cho nội dung này”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà nói.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tiếp thu ý kiến tại hội nghị.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội chuyên trách, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, thời gian qua, ngành Y tế gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách. Để hiện thực hóa những mong muốn của các đại biểu, của cử tri và nhân dân, cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, ý kiến góp ý của các đại biểu, tổ chức nhiều hội nghị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đa chiều để dự thảo Luật được hoàn thiện, toàn diện nhất.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục tiếp thu đầy đủ, nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến góp ý để giải trình thấu đáo, thuyết phục, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư sắp tới.

Chiều 8-9, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã kết thúc 2 ngày làm việc.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, qua 2 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, hội nghị đã thảo luận về 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết. “Có thể nói, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thành công tốt đẹp… Đại biểu Quốc hội chuyên trách đã có nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nói.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, sau hội nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan, hoàn chỉnh dự thảo các luật, nghị quyết báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trình Quốc hội thảo luận, xem xét tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần minh bạch về cơ chế tài chính để giúp bệnh viện công lập không sai phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.