(HNM) - Kể từ khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (được Quốc hội ban hành ngày 21-6-2017) ra đời đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, góp phần giải quyết nhanh, dứt điểm nợ xấu tại các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn phát sinh những khó khăn, vướng mắc.
Đáng chú ý nhất là Nghị quyết số 42/2017/QH14 chỉ quy định giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao, quyền xử lý tài sản bảo đảm khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng… mà chưa quy định được áp dụng thủ tục rút gọn đối với các tranh chấp hợp đồng tín dụng của các tổ chức tín dụng với khách hàng vay. Bên cạnh đó, trình tự thủ tục thi hành án lại tương đối phức tạp, nhiều tình huống phát sinh cũng chưa có hướng dẫn, nên thời gian giải quyết kéo dài... Chưa kể, nếu chính quyền địa phương không hỗ trợ ngân hàng thì việc xử lý tài sản bảo đảm khó thực hiện được.
Để gỡ vướng này, đại diện các ngân hàng đã kiến nghị Tòa án nhân dân Tối cao rà soát, chỉ đạo tòa án các cấp nghiên cứu áp dụng thủ tục rút gọn để hỗ trợ ngân hàng thu hồi nợ xấu. Bộ Công an có thêm những văn bản hướng dẫn cụ thể hơn nữa các giai đoạn xử lý thu giữ tài sản, hỗ trợ xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi chống đối, cản trở, đe dọa cán bộ ngân hàng để việc thu giữ tài sản bảo đảm diễn ra thuận lợi, phù hợp với quy định pháp luật.
Thực tế cho thấy, nợ xấu luôn tồn tại song song với hoạt động cho vay. Trong khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu chỉ mang tính chất thí điểm, thời hạn có hiệu lực ngắn (5 năm), không áp dụng để xử lý cho toàn bộ nợ xấu của tổ chức tín dụng. Do đó, đã đến lúc cần luật hóa quy định này để giúp ngành Ngân hàng có thể xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.