(HNM) - Sáng 29-10, Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường. Đầu giờ sáng các ĐBQH nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi).
Tiếp đó, QH đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật An toàn thông tin mạng. Phát biểu thảo luận, đa số đại biểu (ĐB) đều đánh giá ban soạn thảo dự án luật đã tiếp thu, bổ sung ý kiến thảo luận tại kỳ họp trước, nhưng đề nghị ban soạn thảo cần tiếp thu, bổ sung một số quy định nhằm bảo đảm an toàn thông tin và bảo vệ thông tin cá nhân.
Cụ thể, theo ĐB Nguyễn Thanh Hải (Đoàn Hòa Bình), tại kỳ họp thứ chín, QH khóa XIII, ĐB đã kiến nghị cần có quy định về thông tin riêng và bảo vệ thông tin riêng, tuy nhiên ban soạn thảo cho rằng các nội dung này đã được quy định tại các văn bản luật khác như Điều 38 Bộ luật Dân sự, Điều 125 Bộ luật Hình sự. Trong bối cảnh việc chia sẻ thông tin qua mạng đang phổ biến như hiện nay thì việc bổ sung thêm các quy định về bảo vệ thông tin riêng còn là công cụ để bảo vệ thanh, thiếu niên trước những tác động xấu, tiêu cực của internet, trước mặt trái mà mạng xã hội đem lại, tránh để xảy ra những vụ việc đau lòng.
ĐB Nguyễn Thanh Hải cũng tiếp tục kiến nghị ban soạn thảo cần bổ sung thêm các nội dung liên quan đến thông tin riêng và bảo vệ thông tin riêng vào nội dung của Chương II quy định về bảo vệ thông tin cá nhân. Cũng góp ý vào Chương II, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) cho rằng, các nội dung quy định trong dự thảo chưa nêu rõ giải pháp bảo đảm an toàn thông tin trước các rủi ro, trong khi đó lại đang tồn tại thực trạng mất an toàn thông tin tài khoản cá nhân khi giao dịch qua mạng, giả mạo hợp đồng điện tử, giả mạo tài khoản thư tín điện tử cá nhân để giao dịch… Do vậy, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà kiến nghị, ban soạn thảo cần bổ sung
quy định yêu cầu các nhà mạng phải cung cấp công khai, minh bạch những ứng dụng, liên kết trong thông tin mạng cho người sử dụng dịch vụ. Cũng theo ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà, nếu chỉ quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong bảo vệ thông tin cá nhân (Điều 20) là chưa đủ mà cần phải bổ sung một điều về trách nhiệm của nhà mạng…
* Chiều cùng ngày, QH thảo luận ở tổ về dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế.
Tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, Chính phủ đề nghị xóa nợ thuế đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để góp phần thúc đẩy thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, giao, bán, khoán, sắp xếp lại. Tuy nhiên, không ít ĐBQH là thành viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH lo ngại, nếu không cẩn thận sẽ dẫn đến trường hợp các DN hiện nay chưa đến thời điểm thực hiện cổ phần hóa cố tình chây ỳ, chậm nộp tiền thuế để tăng số nợ thuế lớn hơn số lỗ lũy kế của DN hoặc cố tình không kê khai số thuế nợ trong giá trị của doanh nghiệp để được hưởng chính sách xóa nợ thuế của Nhà nước. Vì vậy, chỉ xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp đối với DNNN trong khoảng thời gian được giới hạn trước ngày 31-12-2015 và không nên quy định trong luật thành một chính sách thường xuyên.
Với phương án giảm thuế nhập khẩu đối với các dòng xe ô tô có dung tích xi lanh dưới 2.000cm3, ĐB Trần Du Lịch (Đoàn TP Hồ Chí Minh) yêu cầu phải đánh giá tác động bởi điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường xe trong nước, làm mất đi lợi thế của xe lắp ráp so với xe nhập ngoại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.