(HNM) - Chính phủ đã ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo (có hiệu lực từ ngày 11-1-2021), thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP. Nghị định số 137/2020/NĐ-CP có nhiều điểm mới, trong đó nổi bật là cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa vào dịp lễ, Tết, cưới hỏi, khai trương... Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, nhiều người lo ngại về nguy cơ cháy, nổ, ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự và mong muốn cơ quan chức năng cần kiểm soát tốt để việc sử dụng pháo hoa thực sự mang lại ý nghĩa.
Thượng tá Nguyễn Tuấn Khởi, Phó Trưởng Công an huyện Đan Phượng:
Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ loại pháo hoa được sử dụng
Điều 17, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP quy định rõ: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều người dân vẫn chưa hiểu được loại pháo hoa nào được sử dụng, loại pháo hoa nào bị cấm.
Theo tôi, để nghị định đi vào cuộc sống, trước tiên các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền các điểm mới của nghị định, những hành vi cấm trong quản lý, sử dụng pháo để người dân thực hiện đúng. Ngoài ra, cần quy định cụ thể hơn điều kiện đi kèm, như: Địa điểm, thời điểm nào được sử dụng pháo hoa, người sử dụng phải chịu trách nhiệm gì trong trường hợp gây ra cháy nổ...
Luật sư Nguyễn Thị Liên, Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp (quận Thanh Xuân):
Cần có những chế tài cụ thể để hạn chế tối đa việc lợi dụng quy định mới
Việc đốt pháo trong những ngày lễ, Tết… là phong tục, tập quán lâu đời của người Việt Nam, do đó, tôi ủng hộ việc có những quy định mới cho phép người dân được đốt một số loại pháo hoa ở một số không gian và thời gian cụ thể. Tại Nghị định số 137/2020/NĐ-CP, Chính phủ cũng đã quy định rõ khái niệm pháo bao gồm pháo nổ và pháo hoa. Trong đó, pháo nổ được chia làm hai loại là: Pháo nổ và pháo hoa nổ, bị nghiêm cấm sử dụng, trừ các trường hợp Nhà nước tổ chức bắn pháo hoa nổ vào các ngày lễ lớn hoặc các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Còn pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện sẽ tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian mà không gây ra tiếng nổ.
Dù vậy, tôi cho rằng, cần quản lý chặt bằng việc sớm ban hành chế tài cụ thể nhằm hạn chế tối đa hành vi lợi dụng quy định để sản xuất “chui”, kinh doanh trái phép, cũng như sử dụng pháo hoa tràn lan, không đúng mục đích.
Ông Dương Bá Mẫn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai:
Tăng cường công tác quản lý và sử dụng pháo hoa
Khi Nghị định số 137/2020/NĐ-CP cho phép các cơ quan, tổ chức, cá nhân được sử dụng pháo hoa trong dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi..., theo tôi, trước tiên cần có hướng dẫn cụ thể những đơn vị được phép sản xuất, lưu hành pháo hoa để quản lý tốt việc kinh doanh cũng như sử dụng sản phẩm đặc thù này.
Thực tế tại huyện Thanh Oai cho thấy, quá trình quản lý hoạt động sử dụng pháo nhiều năm qua luôn được các lực lượng chức năng chú trọng, tập trung giám sát chặt chẽ nên chưa để xảy ra vụ việc nào phức tạp liên quan đến pháo nổ. Để thực hiện tốt Nghị định số 137/2020/NĐ-CP, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, quản lý và sử dụng pháo nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu pháo hoa lưu thông trên địa bàn. Ngoài ra, để đồng bộ với các quy định hiện hành khi nghị định có hiệu lực, các bộ, ban, ngành cần sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện kinh doanh, hình thức xử phạt đối với việc quản lý, sử dụng pháo hoa để tránh chồng chéo.
Bà Nguyễn Thị Thoan, Khu đô thị Việt Hưng, phường Việt Hưng (quận Long Biên):
Nâng cao hơn nữa ý thức của người dân
Ở các nước phát triển, người dân được phép sử dụng pháo hoa trong một số dịp cũng như tại các lễ kỷ niệm. Còn ở nước ta, pháo hoa là một sản phẩm văn hóa, đã tồn tại từ rất nhiều năm nay. Thời kỳ trước, do công tác quản lý còn hạn chế và ý thức người dân chưa tốt dẫn đến nhiều hệ lụy nên Chính phủ phải ban hành quy định cấm sử dụng pháo nói chung, trong đó có pháo hoa.
Tuy nhiên, giờ đây, khi năng lực quản lý xã hội của Nhà nước và ý thức người dân được nâng lên thì việc cho phép sử dụng pháo hoa, theo tôi là phù hợp. Tôi tin tưởng với việc tăng cường quản lý, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân và việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành với những chế tài cụ thể sẽ là điều kiện tiên quyết để Nghị định số 137/2020/NĐ-CP được thực thi hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.