Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần Kiệm nhớ Bác

Thiện - Hà| 15/05/2023 09:41

(HNMNN) - Từ ngày 13-1-1947 đến ngày 2-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc tại nhà cụ Nguyễn Đình Khuê, xóm Lài Cài, thôn Phú Đa (nay là Phú Đa 1), xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất. Tại đây, Bác cùng các đồng chí lãnh đạo của Đảng đã bàn luận, quyết định nhiều chủ trương lớn, hệ trọng liên quan đến vận mệnh đất nước. Đã 76 năm trôi qua nhưng người dân Cần Kiệm luôn trân quý từng kỷ niệm về Bác Hồ kính yêu. Ngôi nhà năm nào cùng các kỷ vật mà Người đã sử dụng vẫn được bảo tồn, trở thành “địa chỉ đỏ” tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng ở địa phương.

Chị Nguyễn Thị Lũy giới thiệu về các kỷ vật của Bác.

NÂNG NIU TỪNG KỶ VẬT

Một ngày đầu tháng 5, men theo con ngõ nhỏ lát đá ong, chúng tôi về thăm Nhà lưu niệm Bác Hồ - Di tích lịch sử cách mạng ở xóm Lài Cài, thôn Phú Đa 1, xã Cần Kiệm. Đây là "địa chỉ đỏ” cách mạng của huyện Thạch Thất, hằng năm thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân, đặc biệt là học sinh trong toàn huyện đến tham quan, dâng hương tưởng nhớ, tri ân Người, từ đó học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Trên nền đất màu cam vàng, ngôi nhà 9 gian và dãy nhà ngang được lợp bằng lá cọ đơn sơ nhuốm màu thời gian nằm trên quả đồi cao nhất khu vực rợp bóng ngọc lan, vú sữa, mít... Tại đây có nhiều kỷ vật mà Bác đã sử dụng trong 19 ngày ở và làm việc, như bàn ghế làm việc, đèn măng xông, giường ngủ, chậu rửa mặt, vại chứa nước... và nhiều bức ảnh tư liệu, bút tích của Người. Những kỷ vật quý giá đó được chị Nguyễn Thị Lũy, hậu duệ đời thứ tư của cụ Nguyễn Đình Khuê nâng niu, giữ gìn.

Theo cuốn "Lịch sử Đảng bộ xã Cần Kiệm", đêm 13-1-1947 (tức 22 tháng Chạp năm Bính Tuất), trên đường lên chiến khu Việt Bắc chỉ đạo cách mạng, Bác Hồ và một số đồng chí cán bộ Trung ương đã về Cần Kiệm ở và làm việc tại nhà cụ Nguyễn Đình Khuê. Đây là nơi dừng chân lâu nhất trên đường Bác di chuyển từ Hà Nội tới Thủ đô kháng chiến. Ngôi nhà được làm bằng tre, tường đắp đất, cửa che bằng các cành dại ghép lại... Những ngày ở tại căn nhà lá đơn sơ của gia đình cụ Khuê, Bác Hồ đã cùng các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh... bàn luận, quyết định nhiều chủ trương lớn, hệ trọng liên quan đến vận mệnh đất nước, đồng thời thảo nhiều văn bản để chỉ đạo kháng chiến...

Trong thời gian ở tại đây, Bác đã viết "Thư chúc Tết đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ" (24-1-1947), "Thư gửi các chiến sĩ cảm tử quân Thủ đô" (27-1-1947), "Thư gửi các chiến sĩ Vệ quốc đoàn, tự vệ và dân quân toàn quốc"... Bác cũng dành thời gian sửa các cuốn sách cũ để cho in lại và phát hành rộng rãi... Nhân dịp đón Tết Nguyên đán Đinh Hợi, Bác Hồ đã tặng gia đình cụ Khuê một tấm thiệp viết bốn chữ "Cung hỷ tân xuân" bằng chữ Hán. Đến chiều 2-2-1947 (tức ngày 12 tháng Giêng năm Đinh Hợi), Bác Hồ rời Cần Kiệm lên chiến khu Việt Bắc.

Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Lũy xúc động kể: "Gia đình cụ tôi rất vinh dự khi được đón tiếp Bác Hồ trong 19 ngày đêm. Bác ở và làm việc tại gian buồng ngoài cùng bên trái của ngôi nhà. Đã 76 năm trôi qua nhưng những kỷ vật như vẫn ấm hơi Người. Tôi cùng các con, cháu, chắt của cụ Nguyễn Đình Khuê xin nguyện được tiếp tục nâng niu, giữ gìn để kỷ vật của Người mãi trường tồn".

Chủ tịch UBND xã Cần Kiệm Nguyễn Tuấn Chinh cho biết thêm: Bác Hồ về ở và làm việc tại Cần Kiệm là sự kiện lịch sử quan trọng, một vinh dự lớn, mãi mãi khắc ghi trong trang sử vàng truyền thống đấu tranh cách mạng của địa phương. Tình cảm của Bác dành cho xã Cần Kiệm nói riêng và huyện Thạch Thất nói chung nhắc nhở các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã phải luôn đoàn kết, thống nhất một lòng, nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng ấm no, hạnh phúc...

Tưởng nhớ công ơn của Người, năm 1974, Đảng bộ và nhân dân xã Cần Kiệm đã tham gia phục chế ngôi nhà cũ của cụ Nguyễn Đình Khuê làm Nhà lưu niệm Bác Hồ. Hiện nay, ngôi nhà 9 gian vẫn được bảo tồn nguyên trạng, gian giữa là ban thờ Bác, các gian còn lại là nơi trưng bày kỷ vật gắn với thời gian Bác sống và làm việc tại đây, các bức ảnh tư liệu, bút tích của Người...

Nhà lưu niệm Bác Hồ tại thôn Phú Đa 1, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất.

NGUYỆN MÃI NOI GƯƠNG NGƯỜI

Không ai bảo ai, mỗi người dân Cần Kiệm đều tôn kính và luôn noi gương Bác Hồ kính yêu. Các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Cần Kiệm luôn đoàn kết một lòng, chung sức xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh. Theo Bí thư Đảng ủy xã Cần Kiệm Nguyễn Hữu Hải, những năm gần đây, mặc dù còn gặp khó khăn song Đảng bộ và nhân dân trong xã đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, luôn đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, từng bước thực hiện và hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. Cấp ủy, chính quyền xã từng bước đổi mới phong cách, lề lối làm việc, theo hướng "rõ người, rõ việc, rõ chất lượng, hiệu quả công việc"; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, địa phương chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tập trung khắc phục hạn chế, khó khăn và các khiếm khuyết, tự sửa mình...

Nhờ đó, trong năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023, kinh tế địa phương tiếp tục có mức tăng trưởng khá; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 62,6 triệu đồng/người/năm; toàn xã chỉ còn 5 hộ thuộc diện nghèo, chiếm 0,19%. Xã tiếp tục duy trì và nâng cao 19 tiêu chí quốc gia quy định về xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2021 đến nay, địa phương được ngân sách cấp trên hỗ trợ đầu tư các công trình dân sinh thiết thực với tổng kinh phí trên 273 tỷ đồng; ngoài ra, nhân dân còn tự nguyện đóng góp hơn 16 tỷ đồng, 974m2 đất và trên 9.433 ngày công xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, đường giao thông...

Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ xã Cần Kiệm từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp ủy Đảng và đảng viên trong Đảng bộ. Việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn xã trong những năm qua đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Trong quá trình thực hiện, từng chi bộ đã lồng ghép các nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, tạo động lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ địa phương đề ra. Đặc biệt, từng đảng viên trong toàn Đảng bộ xã luôn tích cực tu dưỡng, rèn luyện và nêu gương sáng trong thực hiện công việc cũng như học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

... Tháng 5 về Cần Kiệm, trong lòng không khỏi rưng rưng nỗi nhớ Bác. Hình ảnh Người trong ngôi nhà lá đơn sơ, mộc mạc như có sức mạnh phi thường, nhắc nhở mọi người tự rèn luyện, nỗ lực và đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng là mảnh đất cách mạng kiên cường, nơi ghi dấu ấn không bao giờ phai về Bác Hồ kính yêu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần Kiệm nhớ Bác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.