Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần khắc phục việc điều chỉnh chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tiến Thành| 14/12/2022 17:16

(HNMO) - Chiều 14-12, tiếp tục phiên họp thứ mười tám, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành nội dung thảo luận.

Báo cáo về việc xây dựng dự thảo Nghị quyết Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, việc xây dựng dự thảo nghị quyết và bố trí các nội dung trong Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bám sát các nguyên tắc theo quy định. Do đó, chưa bố trí vào chương trình các phiên họp thường kỳ, phiên họp chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2023 đối với 12 dự án luật theo đề xuất của Chính phủ; 2 dự án luật, 1 dự án pháp lệnh theo đề xuất của Tòa án nhân dân Tối cao chưa có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Tại phiên họp tháng 5 và tháng 10-2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến đối với các nội dung sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp; không bố trí cho ý kiến đối với các dự án luật trình Quốc hội lần đầu do hai phiên họp này sát ngày khai mạc kỳ họp thứ năm, thứ sáu của Quốc hội khóa XV.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng cho biết, dự kiến trong năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức 12 phiên họp thường kỳ và 5 phiên họp chuyên đề, xem xét, cho ý kiến, quyết định hơn 80 nội dung tại phiên họp và cho ý kiến bằng văn bản đối với một số nội dung khác.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, đối với dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra đã thống nhất tiến độ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, do đó đề nghị vẫn bố trí dự án luật này tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4-2023. Đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đã có quá trình chuẩn bị sớm hồ sơ dự án luật. Vì vậy, Tổng Thư ký Quốc hội dự kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự án luật này tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 3-2023 trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ năm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu.

Thảo luận về vấn đề này, về thời gian tổ chức phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, nên bố trí vào ngày 10 hằng tháng để các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ động lịch tiếp xúc cử tri, công tác, khảo sát; Chính phủ, các cơ quan khác chủ động trình các nội dung.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị giảm phiên họp chuyên đề xuống còn 2 phiên họp chuyên đề/một năm, tăng thời gian họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bởi có phiên họp của Ủy ban Thường vụ chỉ kéo dài 0,5-1 ngày; đồng thời bố trí dự phòng đối với từng phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, còn nội dung về việc kéo dài thời gian hiệu lực của Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu ở các tổ chức tín dụng, theo đó, Quốc hội thống nhất kéo dài hiệu lực nghị quyết đến ngày 31-12-2023, giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa quy định xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, cùng với việc rà soát sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng trình Quốc hội xem xét chậm nhất là tại kỳ họp thứ năm. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung nội dung này vào chương trình.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, về xây dựng chương trình công tác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung đánh giá việc xây dựng và thực hiện chương trình năm trước. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý ngay cả ở những kỳ họp, phiên họp được chuẩn bị kỹ lưỡng nhất, vẫn có sự điều chỉnh chương trình, mặc dù cần có sự linh hoạt nhưng đây là những vấn đề cần khắc phục.

Cơ bản tán thành với khối lượng công việc như Tổng Thư ký Quốc hội chuẩn bị, Chủ tịch Quốc hội đồng thời lưu ý một số nội dung cụ thể, như điều chỉnh số lượng phiên họp chuyên đề pháp luật ít hơn, chủ yếu nhằm phục vụ cho 2 kỳ họp Quốc hội; thời gian mỗi phiên họp ít nhất 1 ngày và có 1 ngày dự phòng. Trên cơ sở ý kiến tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, sớm trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

* Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Nghị quyết ban hành Quy chế về việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội và xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần khắc phục việc điều chỉnh chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.