Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cận kề ngôi vị số một

Đào Huyền| 07/11/2011 07:06

(HNM) - Theo dự báo của Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ NN&PTNT), xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay có thể đạt hơn 7 triệu tấn, tăng khoảng 200 ngàn tấn so với dự báo trước đó, dự kiến giá trị sẽ đạt hơn 3,7 tỷ USD.

Việt Nam có thể sẽ là nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới. Ảnh: Chí Lâm

Những tín hiệu khả quan

Trước đó, khi vụ thu đông đang bước vào thu hoạch, lũ về khiến nhiều người lo lắng giá thu mua lúa gạo sẽ giảm, song ngược lại giá thu mua lúa trong nước tăng lên từ đầu tháng 9 đến nay. Hiện giá lúa tại ĐBSCL từ 6.200 đồng-6.400 đồng/kg, có nơi thu mua lên đến 7.000 đồng/kg; mức giá được đánh giá là khá cao đáp ứng lợi nhuận cho người dân trồng lúa.

Bên cạnh tín hiệu được mùa, được giá, việc Thái Lan áp dụng chính sách thu mua lúa gạo mới từ đầu tháng 10 cũng tạo điều kiện thuận lợi cho XK gạo nước ta. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, việc Chính phủ Thái Lan áp dụng trợ giá thu mua lúa gạo cho nông dân đã làm tăng giá thành XK gạo của Thái Lan lên đáng kể và sẽ kéo giá XK gạo thế giới tăng lên. Hiện XK gạo của Thái chiếm 30% thế giới, VN chiếm 20%. Việc Thái Lan bị thiệt hại do lũ lụt sẽ tác động không nhỏ đến nguồn cung trên thế giới. Đồng thời việc Thái Lan trợ giá thu mua lúa cao, giá XK gạo của họ tăng lên 700 USD - 800 USD/tấn gạo. Nếu thị trường thế giới không chấp nhận giá mới này nhiều khả năng Thái Lan sẽ tạm ngưng XK một thời gian.

Mặt khác, lũ lụt đang xảy ra ở nhiều nước Đông Nam Á gây sụt giảm nguồn cung trong ngắn hạn. Tại các thị trường cung cấp gạo khác trên thế giới như Campuchia, Lào, Philippines, Myanmar, Ấn Độ, Mỹ… cũng đang gặp khó khăn do thiên tai lũ lụt, tình trạng tắc nghẽn tại cảng, hay tình trạng giá lúa gạo trong nước thấp, không khuyến khích sản xuất dẫn đến sản lượng gạo giảm. Điều đó sẽ mở thêm nhiều thị trường mới cho XK gạo VN. Tại Hội nghị quốc tế lúa gạo vừa được tổ chức ở Việt Nam, các nước nhập khẩu gạo của Việt Nam như Indonesia, Philippines, Bangladesh đều tuyên bố sẽ nhập khẩu thêm gạo của nước ta. Cụ thể, Indonesia cần nhập 1,5 triệu tấn gạo, Bangladesh nhập 450.000 tấn và Philippines cũng sẽ nhập thêm 150.000 tấn từ Việt Nam và Trung Quốc.

Thận trọng khi giá đổi chiều

VFA cảnh báo các doanh nghiệp (DN) XK gạo không nên nóng vội ký hợp đồng XK khi giá chưa cao. Cơ hội XK gạo những tháng cuối năm và quý I/2012 sẽ rất lớn. Điều quan trọng hiện nay là biến cơ hội "vàng" để định hướng làm bệ phóng cho XK gạo những năm tiếp theo nhằm ổn định, phát triển bền vững. Nếu giá lúa gạo XK sẽ liên tiếp tăng theo xu hướng tăng trong 3 năm trở lại đây, XK gạo Việt Nam có thể đạt mức trên 9 triệu tấn trong 3-4 năm tới. Tuy nhiên, đây chưa hẳn là tín hiệu tốt, bởi giá gạo thế giới tăng sẽ kích thích việc gia tăng sản lượng ở tất cả các nước sản xuất gạo khác trên thế giới và khi nguồn cung lớn hơn cầu, giá cả sẽ đảo chiều. VFA khuyến cáo, không chạy theo thành tích "chiếm" ngôi vị XK gạo số 1 thế giới mà điều quan trọng là bảo vệ lợi ích của nông dân, không để ế gạo khi giá đột ngột xuống thấp. Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, đây là thời điểm để hướng nông dân sản xuất lúa theo tiến bộ khoa học kỹ thuật, các DN cần củng cố lại hệ thống kho, sân phơi, máy móc; gắn kết, hợp tác với nông dân tạo ra những vùng nguyên liệu có giá trị.

Thực tế, nếu giá XK gạo tăng theo đúng kịch bản đã nêu trên, Chính phủ cần thành lập quỹ hỗ trợ người trồng lúa trích kinh phí từ thu phí XK để đầu tư trở lại cho vùng trồng lúa nhằm cải thiện đời sống và phúc lợi của nông dân. Vấn đề quan trọng nhất là phải có chính sách có lợi cho người trồng lúa. Đặc biệt vấn đề chọn giống và thiết lập các vùng nguyên liệu chất lượng cao; tăng cường quản lý điều hành XK gạo, chống bán phá giá; gắn kết giữa sản xuất
và tiêu dùng.

Một cảnh báo quan trọng với các DN XK gạo Việt Nam, hơn một tháng nay rất nhiều DN nước ngoài đã vào nước ta để thu mua lúa gạo. Một số DN của Thái Lan và Trung Quốc đã vào Việt Nam thành lập cơ sở thu mua lúa gạo. Để tránh tình trạng có tranh chấp về thương hiệu như với cà phê, Chính phủ, các bộ, ngành và DN trong nước cần có biện pháp hợp lý và xây dựng chiến lược bền vững cho công tác XK gạo mang thương hiệu Việt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cận kề ngôi vị số một

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.