Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cận kề một cuộc chiến sâu rộng

Trung Hiếu| 13/04/2012 06:25

(HNM) - Căng thẳng giữa hai nước Sudan và Nam Sudan về phân chia biên giới và nguồn lợi từ dầu mỏ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bất chấp những nỗ lực của Liên minh Châu Phi (AU) nhằm giúp hai quốc gia láng giềng này tìm tiếng nói chung nhưng xung đột đang leo thang ngày một khốc liệt.

Dư luận khu vực lo ngại, nếu tình hình không được kiểm soát, mâu thuẫn giữa hai quốc gia có thể tiến đến một cuộc chiến sâu rộng tại Lục địa Đen.

Mâu thuẫn giữa Sudan và Nam Sudan về nguồn lợi dầu mỏ làm bùng nổ xung đột vũ trang khiến dư luận khu vực lo ngại.

Ngày 11-4, Sudan đã ngừng tất cả các cuộc đàm phán với Nam Sudan, do AU bảo trợ về các khoản thanh toán tiền dầu cùng các tranh chấp khác. Trong thông báo phát đi, Khartoum cho biết, nguyên nhân chính là do giao tranh tiếp tục nổ ra ở khu vực biên giới trong suốt mấy ngày qua và nước này đã ra lệnh tổng động viên quân đội. Trong khi đó, chính quyền Nam Sudan thông báo, việc binh sĩ của họ mở cuộc tấn công lớn vào mỏ dầu Heglig, mỏ dầu lớn nhất ở Sudan, nơi sản xuất khoảng 50% trong số 115.000 thùng dầu khai thác mỗi ngày, là để tự vệ. Bởi trước đó, quân đội Sudan đã sử dụng máy bay chiến đấu và trọng pháo tấn công vào thị trấn Tashwin gần mỏ Heglig ở khu vực sản xuất dầu gây tranh cãi này. Đây được xem là những diễn biến nghiêm trọng, có khả năng châm ngòi nổ lớn nếu không có giải pháp hữu hiệu. Lo ngại về cuộc xung đột mang tên Sudan loang rộng, ngày 11-4, Mỹ và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã kêu gọi hai bên ngừng ngay các cuộc giao tranh qua biên giới và trở lại bàn đàm phán; đồng thời yêu cầu Nam Sudan phải rút ngay quân khỏi một thị trấn mà họ chiếm giữ của miền Bắc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nêu rõ, các lực lượng của hai nước phải rút về biên giới của mình như đã được phân định trong thỏa thuận hòa bình năm 2005, theo đó chấm dứt hai thập kỷ chiến tranh giữa các lực lượng Nam và Bắc Sudan...

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên mâu thuẫn giữa hai bên bùng phát thành các cuộc giao chiến. Từ khi Nam Sudan tách khỏi Sudan và tuyên bố độc lập (tháng 7-2011) đến nay, hai nước vẫn thường xuyên bất đồng. Trong đó, mâu thuẫn lớn nhất là về phân chia biên giới cũng như các quyền lợi về dầu mỏ. Theo tính toán, trữ lượng dầu mỏ của Sudan ước tính khoảng 6,7 tỷ thùng/năm (lớn thứ 3 ở Châu Phi); trong đó, nguồn lợi dầu mỏ chiếm tới 68% thu ngân sách của miền Bắc và 98% của miền Nam. Tuy nhiên, tất cả cơ sở và đường ống dẫn dầu phục vụ xuất khẩu dầu lại do Sudan kiểm soát. Tranh cãi đã nổ ra khi hai bên chưa thống nhất về chi phí Nam Sudan phải trả cho việc sử dụng các cơ sở hạ tầng mà theo thỏa thuận là thuộc về Sudan. (hay còn gọi là Bắc Sudan). Theo hiệp định hòa bình chấm dứt nội chiến giữa hai miền Nam - Bắc (ký năm 2005), nguồn lợi dầu mỏ được chia với tỷ lệ 50-50. Thế nhưng, từ khi tách ra độc lập, các quan chức miền Nam muốn thay thế cách phân chia này bằng trả phí trung chuyển cho việc sử dụng cơ sở hạ tầng ở miền Bắc. Nhưng điều này không nhận được sự tán đồng từ Sudan. Mâu thuẫn cứ âm ỉ và giao tranh thường bùng phát tại các bang trên đường biên giới như Kordofan, Blue Nile, Unity... Gần đây, quân đội hai nước đã sử dụng cả máy bay, xe tăng lẫn trọng pháo trong các cuộc đụng độ khiến dư luận thực sự lo ngại.

Xung đột giữa hai nước Sudan đang đe dọa phá hỏng thỏa thuận ngừng bắn mà hai bên đã ký hồi tháng 2 vừa qua; đồng thời, làm đổ vỡ nỗ lực của cựu Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki, người đứng đầu nhóm hòa giải của AU với hai miền Nam - Bắc. Lo ngại giao tranh lan rộng, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi Tổng thống Nam Sudan Salba Kiir triệu tập một cuộc họp thượng đỉnh với lãnh đạo Sudan nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tranh. Người đứng đầu LHQ cũng thảo luận với ông Salba Kiir, Phái viên của Khartoum tại LHQ, Ngoại trưởng Mỹ và Thủ tướng Ethiopia về các biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn xung đột có thể tiếp diễn giữa hai nước. Nếu xung đột lan rộng sẽ tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế của cả hai quốc gia. Đó là sự gián đoạn trong hoạt động xuất khẩu dầu mỏ; vấn đề nợ nước ngoài của Sudan (khoảng 39 tỷ USD) và công cuộc vực dậy nền kinh tế mong manh của Nam Sudan sẽ là vô vàn khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cận kề một cuộc chiến sâu rộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.