Tổng cục Thuế vừa có văn bản gửi các cục thuế yêu cầu nhanh chóng giải quyết hồ sơ hoàn thuế, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp có nguồn lực tài chính phục vụ sản xuất, kinh doanh. Mục tiêu là phấn đấu đến ngày 30-6-2023, số tiền hoàn thuế giá trị gia tăng tối thiểu phải bằng với cùng kỳ năm 2022.
Theo Tổng cục Thuế, tổng số tiền dành cho quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2023 là 186.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 16-6, cơ quan thuế đã ban hành 7.893 quyết định hoàn thuế, với số tiền hoàn bằng 30% dự toán năm 2023, bằng 88% so với cùng kỳ năm 2022. Tiến độ giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng chậm và thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiền thuế hoàn trả doanh nghiệp có thể coi là nguồn lực của doanh nghiệp. Đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về thị trường, nguồn vốn, nguồn lực này càng quan trọng. Điều đó đòi hỏi tiến độ xử lý hồ sơ hoàn thuế càng phải nhanh hơn, kịp thời hơn, chứ không phải “chậm và ít hơn” như đánh giá của chính ngành Thuế. Mặt khác, việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng thể hiện sự thiếu công bằng với doanh nghiệp. Doanh nghiệp chậm nộp thuế, nợ thuế phải đóng phạt theo quy định, trong khi doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế giá trị gia tăng thì cơ quan quản lý có xem xét trả lãi cho doanh nghiệp theo số tiền chậm hoàn trả?
Trong quá trình thực hiện còn cho thấy có những quy định chưa thực sự hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp chưa đáp ứng đủ điều kiện, thiếu hồ sơ để làm thủ tục hoàn thuế. Có trường hợp cơ quan chức năng xác minh quá chậm, song cũng có trường hợp phát hiện gian lận phải xử lý... Tuy nhiên, dù với lý do gì, việc hoàn thuế vẫn phải thực hiện nhanh chóng, kịp thời, trên tinh thần tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Đây cũng là chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đối với ngành Thuế.
Trước hết, các cục thuế cần tập trung chỉ đạo bộ phận chức năng đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho doanh nghiệp, bảo đảm đầy đủ, chặt chẽ các bước theo quy định. Khi hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng đủ điều kiện, các cục thuế khẩn trương ban hành quyết định hoàn thuế cho doanh nghiệp. Trường hợp chưa đủ điều kiện hoàn thuế hoặc không được hoàn thuế, cơ quan thuế ban hành ngay văn bản trả lời hoặc hướng dẫn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục.
Để gỡ khó và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, có ý kiến đề xuất trường hợp đã xác minh, đã được cơ quan chức năng điều tra, kiểm tra về nghĩa vụ thuế, có kết luận không đủ yếu tố để xử lý theo các quy định của pháp luật thì nên tính đến việc hoàn thuế cho doanh nghiệp. Sau này nếu phát hiện vấn đề cần truy cứu có thể xử lý tiếp. Trường hợp việc kiểm tra, xác minh kéo dài quá thời hạn quy định, cơ quan thuế có thể hoàn thuế trước rồi hậu kiểm, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, bởi thời gian hậu kiểm cho phép kéo dài tới 5 năm.
Về lâu dài, cơ quan chức năng nên xem xét tổng thể các quy định về hoàn thuế. Phải rà soát kỹ nội dung nào không còn phù hợp - cần sửa đổi, nội dung nào chưa rõ ràng - cần bổ sung, nhằm tạo hành lang pháp lý chặt chẽ nhưng cũng phải thông thoáng, không gây khó cho doanh nghiệp. Trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp nên chủ động tìm hiểu quy định về hoàn thuế, chủ động chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, tạo thuận lợi cho cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh.
Số tiền 186.000 tỷ đồng dành hoàn thuế giá trị gia tăng là nguồn lực lớn để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, việc hoàn thuế cần phải thực hiện với tinh thần đúng quy định nhưng cũng phải khẩn trương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.