Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhận diện khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp

Hồng Sơn| 30/05/2023 06:15

(HNM) - Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đối diện nhiều khó khăn, thách thức không dễ vượt qua, để lại hệ lụy trên diện rộng. Vấn đề đặt ra là cần phân tích rõ tình hình, tìm giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, tạo đà phục hồi, hướng tới mục tiêu bảo đảm tăng trưởng kinh tế cũng như an sinh xã hội…

Sản xuất hàng may mặc tại Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Vit Garment (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh). Ảnh: Đỗ Tâm

Bức tranh thiếu gam màu sáng

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm 2023 là 78.871 đơn vị, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số vốn đăng ký là 1.069.614 tỷ đồng (giảm 46% so với cùng kỳ năm trước). Cũng trong 4 tháng, có 77.001 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may, da giày, vật liệu xây dựng... đang đối diện với nhiều bất lợi do việc đứt quãng chuỗi cung ứng, mất cân đối trong quan hệ cung - cầu, biến động về chi phí đầu vào. Đặc biệt, tình trạng thiếu đơn hàng khiến không ít đơn vị phải đối phó bằng cách giãn ca, bố trí lao động luân phiên hoặc cắt giảm nhân công. Các chuyên gia nhận định, xung đột cục bộ trên thế giới để lại hậu quả nghiêm trọng cùng với diễn biến phức tạp của lạm phát khiến tình hình kinh tế toàn cầu ảm đạm, dẫn đến suy giảm tổng cầu, sức mua yếu. Nhìn chung, hoạt động của doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng lớn trong khi cơ hội để phục hồi còn rất hạn hẹp và chưa hề xuất hiện dấu hiệu cải thiện trong một sớm một chiều.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, trong bối cảnh trên, doanh nghiệp bị ảnh hưởng là điều dễ hiểu, nhất là đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa mới thành lập vì năng lực tài chính, quản trị cũng như kinh nghiệm hạn hẹp, thiếu sức chống chịu khi thực tế khắc nghiệt nảy sinh.

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam cho biết, xuất khẩu thủy sản đã giảm 27,5% trong quý I-2023 và dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới. Đại diện các ngành như xuất khẩu nông sản, dệt may… cũng nêu ra nhiều khó khăn, chủ yếu là thiếu vốn và đầu ra cho tiêu thụ sản phẩm.

Một số giải pháp thiết thực

Trước tình hình trên, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2023. Dự kiến số tiền thuế, tiền thuê đất được xem xét gia hạn là hơn 110 nghìn tỷ đồng. Bộ Tài chính cũng đang tổng hợp ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân để hoàn thiện dự thảo Quyết định về giảm tiền thuê đất phải nộp năm 2023 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong thời gian sớm nhất. Dự kiến khi thực hiện, số tiền thuê đất được giảm là khoảng 3.500 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, nhằm mục tiêu kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, Quốc hội đang thảo luận về việc giảm thuế giá trị gia tăng. Theo đề xuất của Chính phủ, một số lĩnh vực, ngành hàng được giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết ngày 31-12-2023 (như đã áp dụng trong năm 2022). Phương án này được coi là phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay và qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh sớm phục hồi, phát triển.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định hạ lãi suất điều hành, từ đó giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí. Sau quyết định của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn ngắn, đồng thời tung ra nhiều chương trình cho vay ưu đãi với doanh nghiệp, cá nhân.

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm và đặt thành nhiệm vụ hàng đầu trong việc đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tăng cường tìm kiếm thị trường, đơn hàng; xử lý khó khăn về vốn, khả năng thanh khoản và lao động. Đặc biệt là tháo gỡ ngay những vướng mắc về thể chế, loại bỏ các quy định không phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, minh bạch, đơn giản hóa quy trình thương mại; khuyến khích và đẩy mạnh chia sẻ thông tin về thương mại và giá cả; giữ vững năng lực cạnh tranh và thị phần của hàng Việt trên thị trường thế giới.

Tại Công điện số 470/CĐ-TTg ngày 26-5-2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, Bộ Công Thương chủ trì, thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết hiệp định mới để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, tích cực tìm đầu ra cho hàng hóa của Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, ứng dụng chuyển đổi số, giảm thủ tục hành chính... để tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, rà soát gói tín dụng 40.000 tỷ đồng và 120.000 tỷ đồng với các điều kiện cho vay kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, hợp lý hơn...

Bộ Tài chính khẩn trương kiểm tra, đánh giá, đôn đốc Tổng cục Thuế thực hiện ngay, không chậm trễ, hướng dẫn, xem xét các hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả; tiếp tục đề xuất các chính sách hỗ trợ nếu thấy còn dư địa...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhận diện khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.