Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến

Lam Giang| 07/06/2023 14:02

(HNMO) - Nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu trực tuyến ngày một tăng cao của doanh nghiệp Việt Nam và thúc đẩy nắm bắt cơ hội từ thương mại điện tử xuyên biên giới, ngày 7-6 tại Hà Nội, Cục thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với Amazon Global Selling Việt Nam tổ chức hội nghị thương mại điện tử xuyên biên giới “Tinh hoa châu Á, bứt phá toàn cầu”.

Phát biểu tại hội nghị, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết: “Với tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử bán lẻ trên 20%/năm, Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Đây là ngành mới được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp với chủ trương  phát triển nền kinh tế số của Chính phủ”.

Còn theo ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp bán hàng Việt Nam trên Amazon đã tăng 45% trong năm 2022. Cũng trong năm qua, số lượng nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon tăng 80%. Nhiều nhóm ngành hàng của Việt Nam đang có doanh số cao tại Amazon, như: Ngành hàng trang trí nhà cửa, thời trang, phụ kiện làm đẹp, nông sản chế biến…

Theo nghiên cứu mới nhất của Access Partnership, doanh thu xuất khẩu thương mại điện tử của Việt Nam có thể đạt 296,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2027 nếu như các doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ đầy đủ và đẩy nhanh tốc độ áp dụng thương mại điện tử.

Khảo sát của Access Partnership được thực hiện với 300 doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại Việt Nam cho thấy, 86% doanh nghiệp cho rằng họ không thể thực hiện hoạt động xuất khẩu nếu không có thương mại điện tử. Ngoài ra các doanh nghiệp cũng đang hướng tới việc mở rộng thị trường đến các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng xuất khẩu trực tuyến nhưng họ chưa biết bắt đầu từ đâu và làm sao để mở rộng quy mô. Doanh nghiệp Việt Nam cũng đối mặt nhiều thách thức về kiến thức, năng lực, chi phí, các quy định trong quá trình xuất khẩu trực tuyến.

Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu trực tuyến qua thương mại điện tử. Ảnh: Lam Giang

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, đã và đang đa dạng hóa các chương trình để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, hoàn thiện các chính sách xuất khẩu trực tuyến, tìm hiểu các rào cản mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp phải, đồng thời cung cấp tài nguyên giáo dục và các chương trình đào tạo để giúp các doanh nghiệp mở rộng kinh doanh quốc tế và đạt được thành công trên quy mô toàn cầu. Trong giai đoạn từ 2022 – 2026, Cục cam kết sẽ hỗ trợ đào tạo cho 10.000 lựơt doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới.

Còn ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho biết: “Chúng tôi nỗ lực hợp tác cùng  các cơ quan chính phủ và các nhà cung cấp dịch vụ để tổ chức sự kiện hôm nay nhằm khích lệ, hỗ trợ và trao quyền cho các doanh nghiệp xuất khẩu online. Chúng tôi cam kết góp phần nâng cao sự phát triển của các doanh nghiệp tại Việt Nam bằng cách trang bị cho họ hành trang để tiếp nhận những thay đổi và vươn lên tầm cao mới trong môi trường kinh doanh toàn cầu”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.