Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần hành lang pháp lý rõ ràng

Hà Tuấn| 21/07/2012 08:16

(HNM) - Theo tính toán của Viện Nghiên cứu phát triển TP (HIDS), từ nay đến năm 2025, TP Hồ Chí Minh cần khoảng 42 tỷ USD để đầu tư phát triển hạ tầng. Trong khi vốn ngân sách TP hạn hẹp, chỉ đáp ứng được một phần số tiền trên thì hình thức đầu tư PPP sẽ là giải pháp tích cực.

Cầu Phú Mỹ là dự án đã thông xe cách đây gần 3 năm nhưng đến nay vẫn bị xem là dự án "thất bại" theo hình thức BOT.


Đầu tư "truyền thống" nhiều vướng mắc

Ông Dương Quang Châu, Giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP (CII) cho rằng, các dự án đầu tư theo hình thức "truyền thống" như BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao), BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh)… còn nhiều mâu thuẫn, vướng mắc trong luật nên còn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Đơn cử, khi xây dựng các công trình cầu, đường theo hình thức BOT, tư nhân sẽ bỏ vốn xây dựng, đổi lại nhà nước cho phép nhà đầu tư thu phí có thời hạn để thu hồi vốn. Thế nhưng, khi thu phí nhiều khi vấp phải sự phản đối của dư luận. Ngoài ra, chủ đầu tư ký dự án trực tiếp với UBND tỉnh hay TP, nhưng HĐND lại quyết định tăng hay giảm thu phí khiến nhà đầu tư gặp không ít khó khăn trong thu hồi vốn. Mặt khác, thời gian đầu tư dài, vốn lớn, lãi suất cao nhưng vay rất khó và thời gian vay ngắn nên những dự án trên 10.000 tỷ đồng khó thực hiện bằng hình thức BOT (nếu lãi vay 15%/năm thì nhà đầu tư phải trả khoảng 1.500 tỷ đồng/năm). Thế nên theo ông Nguyễn Hồng Ninh, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO, dù các nhà đầu tư quan tâm  nhiều đến các dự án hạ tầng nhưng rủi ro cao khiến họ không mặn mà.

PPP khả thi thì thiếu luật

Trong bối cảnh đó, việc thực hiện các dự án đối tác công - tư (PPP) như bước đi khả thi trong việc triển khai xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Theo thống kê từ Bộ KH-ĐT, hiện nay cả nước chỉ mới có duy nhất dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đang được nghiên cứu xem xét đầu tư thí điểm PPP. Ngoài ra, một số địa phương đề xuất nguyện vọng đầu tư PPP cho khoảng 20 dự án cơ sở hạ tầng nhưng chỉ vài dự án có tính khả thi.

TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP cho rằng, Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế thí điểm đầu tư PPP đã ban hành cách đây gần hai năm nhưng còn nhiều hạn chế về cơ chế hoạt động nên không đủ hấp dẫn các nhà đầu tư. Hơn nữa, nếu các địa phương và các ngành có điều kiện thực hiện hình thức này bằng chính sách riêng của mình sẽ dẫn đến sự tùy tiện và không bảo đảm tính pháp lý. Với TP, dù có đủ con người, nguồn lực để đột phá nhưng lại thiếu cơ chế. Do đó, cần ban hành luật PPP để thực hiện chủ trương lớn của Đảng về xã hội hóa đầu tư, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đề ra và nên chọn một vài dự án điểm làm theo mô hình này để rút kinh nghiệm.

Trước trăn trở trên, tại buổi tọa đàm mới đây về "Thực hiện dự án đối tác công - tư (PPP): Kinh nghiệm và đề xuất" do HIDS tổ chức tại TP, ông Nguyễn Đăng Trương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH-ĐT, khẳng định, trong thời gian tới Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành xây dựng thông tư hướng dẫn chi tiết cho Quyết định 71 nhằm tạo khung pháp lý rõ ràng, minh bạch hơn để triển khai. Kế hoạch từ nay đến năm 2015, Bộ KH-ĐT sẽ có dự thảo luật về PPP trình Thủ tướng Chính phủ để có thể đưa ra được Nghị định chính thức hoặc có những sửa đổi phù hợp với Quyết định 71 để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.

"Dù đầu tư theo hình thức nào đi nữa, nhất là nếu tương lai các dự án được đầu tư theo hình thức PPP, nhà nước cần phải "chia lửa" với nhà đầu tư. Bởi thực tế hầu như không có một nhà đầu tư nào trong nước có thể đủ số vốn triển khai cho một dự án đúng nghĩa PPP mà cần phải vay từ nhà nước. Cụ thể, cơ cấu vốn chuẩn cho những dự án hợp tác thuộc loại này là 30% của Nhà nước và 70% của tư nhân. Trong đó 21% là vốn chủ sở hữu và 49% còn lại là do nhà đầu tư vay thương mại", PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng HIDS nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần hành lang pháp lý rõ ràng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.