Kinh tế

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Trung Quốc tham gia phát triển hạ tầng quy mô lớn tại Việt Nam

Theo TTXVN 24/06/2024 20:37

Theo đặc phái viên TTXVN, nhân dịp dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Đại Liên 2024 và làm việc tại Trung Quốc, chiều 24-6 (giờ địa phương), tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo một số doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc trong lĩnh vực hạ tầng.

image.bnews.vn-mediaupload-org-2024-06-24-_193035-thu-tuong-pham-minh-chinh-tiep-lanh-dao-mot-so-doanh-nghiep-trung-quoc.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Tôn Vinh Khôn, Chủ tịch Công ty Đầu máy toa xe Đại Liên. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

* Tiếp ông Tôn Vinh Khôn, Chủ tịch Hội đồng quản trị và lãnh đạo Công ty TNHH Đầu máy và Toa xe Đại Liên, Trung Quốc (CRRC), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị CRRC tham gia phát triển hạ tầng, nhất là các dự án hạ tầng quy mô lớn, các tuyến đường sắt liên kết vùng và đường sắt đô thị của Việt Nam.

Ông Tôn Vinh Khôn cho biết, CRRC là doanh nghiệp nhà nước, được thành lập năm 1899 với lĩnh vực chính là sản xuất đầu máy xe lửa, phương tiện đường sắt đô thị, tàu tốc hành và đầu máy năng lượng mới. Hiện nay, công ty đã xuất khẩu sản phẩm sang 32 quốc gia, trong đó có Việt Nam; doanh thu năm 2023 là 2,2 tỷ USD.

CRRC mong muốn tiếp tục cung cấp các sản phẩm thuộc lĩnh vực đường sắt cho Việt Nam như đầu máy điện, đầu máy diesel; hợp tác sản xuất các sản phẩm vận tải đường sắt và sản phẩm năng lượng mới tại Việt Nam. Đặc biệt, CRRC mong muốn hợp tác trong các dự án đường sắt liên vùng, liên tỉnh và đường sắt đô thị tại Việt Nam, nhất là các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao thành tựu và đóng góp của CRRC đối với việc phát triển hạ tầng giao thông của Trung Quốc; cho biết quan hệ Việt Nam - Trung Quốc không ngừng được vun đắp, cùng với quan hệ chính trị, hợp tác kinh tế đang được thúc đẩy phát triển tương xứng.

Tháng 12-2023, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược. Trong đó, hai bên đã nhất trí kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới, là hệ thống hạ tầng quan trọng để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc gồm: tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Đồng Đăng - Hà Nội; Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.

Theo Thủ tướng, Việt Nam có hơn 2.000km đường sắt với trên 300 nhà ga; trước đây có tuyến đường sắt liên vận từ Việt Nam - Trung Quốc - Nga và châu Âu. Thời gian qua, việc phát triển đường sắt chưa được chú trọng đầu tư đúng mức. Trong tình hình mới, nhận thức mới, Việt Nam mong muốn phát triển mạnh loại hình vận tải này. Cùng với tuyến đường sắt Bắc - Nam, phát triển các tuyến đường sắt liên vùng như Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Đồng Đăng - Hà Nội; Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng; thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ. Việt Nam chủ trương xây dựng các tuyến đường sắt nội đô tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Trung Quốc, trong đó có CRRC hỗ trợ, hợp tác cùng Việt Nam phát triển ngành công nghiệp đường sắt; đẩy mạnh chuyển giao khoa học, công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ tài chính cho Việt Nam phát triển đường sắt. Công ty nghiên cứu hợp tác với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sản xuất, chuyển giao công nghệ về chế tạo đầu máy, toa xe phục vụ cho khai thác vận tải hiện tại và cũng là tiền đề hợp tác chế tạo đầu máy, toa xe cho dự án đường sắt tốc độ cao sau này; CRRC tham gia các dự án về đường sắt tại Việt Nam; tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp Việt Nam để tham gia xây dựng các dự án đường sắt chất lượng, hiệu quả, là minh chứng cho sự hợp tác đặc biệt giữa hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh có hiệu quả và bền vững, tuân thủ quy định pháp luật.

* Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng tiếp ông Vương Tiểu Quân, Phó Chủ tịch Tập đoàn và các lãnh đạo, cán bộ cấp cao của Tập đoàn Xây dựng điện lực Trung Quốc (PowerChina); đề nghị PowerChina không chỉ tiếp tục hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực năng lượng mà còn mở rộng hợp tác, đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông.

Ông Vương Tiểu Quân cho biết, Tập đoàn PowerChina hoạt động trong nhiều ngành, lĩnh vực như năng lượng, đường cao tốc, đường sắt, cảng và đường thủy, sân bay, nhà ở, khu công nghiệp, kỹ thuật đô thị, đường sắt đô thị… Năm 2023, tập đoàn hoạt động tại 130 quốc gia và đạt mức doanh thu 571 tỷ nhân dân tệ (khoảng 80 tỷ USD).

Vào Việt Nam từ năm 2000 trong lĩnh vực năng lượng, đến nay, PowerChina hợp tác với nhiều dự án lớn như: Thủy điện Lai Châu, Sơn La; Trung tâm Nhiệt điện duyên hải Vĩnh Tân; hơn 23 dự án điện Mặt Trời; 9 dự án điện gió ngoài khơi; 16 dự án điện gió trên bờ; 2 dự án điện rác tại Cần Thơ và Hà Nội, với tổng giá trị các hợp đồng hơn 9 tỷ USD.

PowerChina quan tâm đầu tư, xây dựng tại Việt Nam các dự án thủy điện tích năng; phát triển các dự án điện gió khu vực miền Bắc; phát triển các Dự án LNG tích hợp tại Việt Nam; đặc biệt quan tâm và mong muốn tham gia đầu tư lĩnh vực hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng, đánh giá cao kết quả hợp tác ấn tượng giữa PowerChina và các đối tác Việt Nam; cho biết, Việt Nam đang hoàn thiện thể chế liên quan mua bán điện trực tiếp, điện áp mái, điện tự sản, tự tiêu, mong muốn PowerChina nghiên cứu hợp tác với Việt Nam trong lĩnh năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo.

Cho rằng, PowerChina là doanh nghiệp có kinh nghiệm từng tham gia dự án đường sắt cao tốc từ Bắc Kinh đến Thượng Hải, làm hơn 2.000km đường sắt cao tốc, 800km tàu điện ngầm…, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tập đoàn này hợp tác với các đối tác Việt Nam tham gia triển khai các dự án hạ tầng quy mô lớn tại Việt Nam như các tuyến đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường sắt liên vùng, đường sắt đô thị tại Việt Nam. Cùng với đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, tập đoàn tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong việc đề xuất các ý tưởng, dự án đầu tư mới; chuyển giao các giải pháp, kinh nghiệm quản trị, công nghệ hiện đại, mô hình kinh tế mới; thu hút nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ phát triển, các quỹ đầu tư, các định chế tài chính và đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia.

Mong muốn PowerChina nghiên cứu hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam như hình thành các trung tâm công nghiệp năng lượng gắn với các khu công nghiệp tập trung, các trung tâm chế biến, chế tạo; phát triển ngành công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng; hợp tác, phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực phát điện, truyền tải, phân phối, điều độ, lưới điện thông minh…, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó có PowerChina triển khai đầu tư, hoạt động các dự án thành công, hiệu quả, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Trung Quốc tham gia phát triển hạ tầng quy mô lớn tại Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.