Hà Nội kết nối

Bình đẳng giữa các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng

Nguyễn Lê 01/08/2024 - 16:21

Đề án huy động nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030 đã được Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh thông qua ngày 31-7.

Đó là thông tin Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết tại cuộc họp về kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2024 do UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 1-8,

metro1.jpg
Dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Ảnh: Nguyễn Lê

Mục tiêu của đề án nhằm giữ vững ổn định, ngăn chặn suy giảm, huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, cải cách hành chính; đổi mới phương thức, hiện đại hóa công tác chỉ đạo điều hành; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư. Đồng thời, tháo gỡ những điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, hấp thụ nhanh và huy động đa dạng các nguồn vốn đầu tư; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm, các dự án hạ tầng, giao thông, đô thị.

Trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống giao thông vận tải, hạ tầng năng lượng, viễn thông; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ và hệ thống đường kết nối nội vùng, liên vùng theo quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia, nhất là tuyến vành đai 3, 4, các đường cao tốc, đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Về giải pháp, thành phố sẽ thực hiện các nhóm giải pháp huy động đầu tư từ khu vực Nhà nước; nhóm giải pháp huy động nguồn vốn từ khu vực ngoài Nhà nước bằng nhiều hình thức.

Thành phố cũng thực hiện giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn đầu tư kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đảm bảo minh bạch, thông thoáng, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, thành phố chủ động chuẩn bị các dự án mang tính chiến lược, phục vụ mục tiêu, định hướng phát triển để mời gọi đầu tư.

tham-luong.jpg
Dự án cải thiện môi trường đô thị Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Ảnh: Nguyễn Lê

Đối với các khu đất đã thuộc quản lý của Nhà nước, UBND thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát việc đáp ứng điều kiện đấu giá theo quy định.

Đối với các dự án chưa bồi thường giải phóng mặt bằng, UBND thành phố giao cơ quan chuyên môn, UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức tiếp tục rà soát hiện trạng sử dụng đất, pháp lý sử dụng đất, nguồn gốc đất, xác định ranh giới, vị trí để chuẩn bị các điều kiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Đối với các dự án đã giải phóng mặt bằng nhưng đang điều chỉnh quy hoạch, các đơn vị đề xuất phối hợp Sở Quy hoạch - Kiến trúc rà soát lại quy hoạch, báo cáo UBND thành phố theo quy định.

Thành phố cũng thực hiện rà soát các dự án mà nguồn vốn đầu tư công chưa thể đáp ứng nhưng có thể xã hội hóa để chủ động mời gọi, huy động các nguồn lực xã hội.

Ngoài ra, thành phố cũng tiếp tục đẩy mạnh huy động nguồn vốn ưu đãi đầu tư từ nước ngoài như ODA, các tổ chức phi chính phủ... Thực hiện các giải pháp để thu hút mạnh hơn nữa dòng kiều hối, đồng thời rà soát cơ chế chính sách, cơ sở hạ tầng - quỹ đất, cải thiện môi trường đầu tư (số hóa, tiếp cận thông tin, nguồn nhân lực, chính sách tài chính).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bình đẳng giữa các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.