Có diện tích chiếm 1/3 tổng diện tích thành phố Hồ Chí Minh với điều kiện tự nhiên đa dạng, rừng ngập mặn Cần Giờ là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới đặc biệt của Việt Nam.
Trong chuyến thị sát khu vực này hôm qua, 18-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Với hệ sinh thái rừng ngập mặn, phải quy hoạch xây dựng Cần Giờ thành đô thị trong rừng.
Khu Dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ nằm ở phía Đông Nam thành phố Hồ Chí Minh, có tổng diện tích: 70.445,34 ha. Toàn khu vực nằm ở hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai – Sài Gòn. Mật độ dân số tại Cần Giờ là 108 người/km2. Dân cư tập trung sinh sống trong vùng chuyển tiếp, riêng vùng lõi và vùng đệm chỉ có các hộ dân giữ rừng.
Rừng ngập mặn Cần Giờ đã được Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.
Phía Bắc Khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ giáp với tỉnh Đồng Nai, phía Nam giáp với biển Đông, phía Đông giáp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và phía Tây giáp với 2 tỉnh miền Tây là Tiền Giang và Long An. Đây là một trong những khu rừng ngập mặn có quần thể hệ động thực vật đa dạng và phong phú. Đặc biệt, tại đây còn có nhiều loại động vật quý hiếm.
Khu Dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ bao gồm toàn bộ diện tích vùng rừng phòng hộ và diện tích hành chính còn lại, chia làm 3 vùng: Vùng lõi có diện tích 6.134,43 ha, có chức năng bảo tồn hệ sinh thái rừng gập mặn cả rừng trồng và rừng tự nhiên.
Vùng đệm có diện tích 29.152,10 ha đất rừng và 12.763,56 ha diện tích mặt nước), có chức năng phục hồi các hệ sinh thái; bảo vệ vùng lõi; tạo không gian lớn hơn cho thú hoang dã ngoài vùng lõi; tạo ra cảnh quan tự nhiên và văn hóa nhân văn phục vụ du lịch sinh thái; tạo điều kiện cho các mô hình lâm ngư kết hợp thân thiện với môi trường.
Vùng chuyển tiếp có diện tích 13.227,79 ha đất rừng và 7.267,47 ha mặt nước, gồm các khu vực còn lại của huyện Cần Giờ. Đây là vùng có chức năng khuyến khích các mô hình phát triển kinh tế, hợp tác…
Trong Khu Dự trữ sinh quyển quốc tế rừng ngập mặn Cần Giờ, có 3 khu bảo tồn các loài động vật, bao gồm: Khu bảo tồn chim (Sân chim Vàm Sát) là môi trường sống của khoảng 2.000 cá thể chim thuộc 33 loài, trong đó có 26 loài định cư và 7 loài di cư. Khu bảo tồn dơi (Đầm Dơi) tại tiểu khu 15a là nơi trú ngụ của hơn 500 cá thể dơi, chủ yếu là loài Dơi ngựa (Pteropus lylei). Khu bảo tồn khỉ (Khu Đảo Khỉ), với đàn Khỉ đuôi dài (Maccaca fascicularis) đã phát triển gần 2.000 con. Ngoài ra, đây còn là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật quý hiếm thuộc Danh mục Sách đỏ Việt Nam (2007).
Không chỉ có hệ sinh thái đa dạng, Cần Giờ còn lưu giữ nhiều nét đặc trưng văn hóa của cư dân miền biển Đông Nam Bộ, với những lễ hội đậm màu sắc dân gian. Nổi bật trong số đó là Lễ Nghinh Ông Cần Giờ, được công nhận là di sản phi vật thể Quốc gia từ năm 2013.
Tại Cần Giờ, có Khu Di tích lịch sử Căn cứ Rừng Sác là di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 2004. Địa danh này gắn liền với các chiến sĩ đặc công Đoàn 10 anh hùng hoạt động trong suốt thời gian kháng chiến chống Mỹ. Từ căn cứ án ngữ cửa biển này, các chiến sĩ đặc công Rừng Sác đã triển khai nhiều trận đánh hiệu quả, lập nên những chiến công lẫy lừng. Giờ đây, Căn cứ Rừng Sác là điểm tham quan, học tập truyền thống cách mạng.
Rừng ngập mặn Cần Giờ được mệnh danh là “lá phổi xanh”, “quả thận tốt” của thành phố Hồ Chí Minh. Rừng Cần Giờ còn ngăn ngừa nước biển dâng cao và góp phần bảo vệ dân cư và cơ sở hạ tầng ven biển. Cùng với đó, Cần Giờ còn là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, thu hút nhiều du khách, nhất là giới trẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.