Hà Nội kết nối

Nếu được thông qua, cầu Cần Giờ sẽ khởi công năm 2025

Thúy Nhi - Nguyễn Lê 11/07/2023 - 18:46

Theo Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, phương án kỹ thuật của dự án cầu Cần Giờ cơ bản đã xong, thành phố sẽ trình dự án này lên HĐND thành phố.

anh-1(1).jpg
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm trả lời tại phiên chất vấn.

Ngày 11-7, trong phiên chất vấn Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tại kỳ họp thứ mười, HĐND thành phố Hồ Chí Minh khóa X, cơ quan này cho biết thành phố sẽ trình chủ trương đầu tư dự án cầu Cần Giờ lên HĐND thành phố vào cuối năm nay.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Đoàn Thị Ngọc Cẩm đặt vấn đề về tiến độ và thời gian khởi công dự án cầu Cần Giờ. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, đây là công trình lớn với chiều dài 3,4km, tổng mức đầu tư của dự án khoảng 10.000 tỷ đồng.

“Về phương án kỹ thuật của dự án, cơ bản đã xong, sở đang cùng địa phương rà soát lại chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Nếu được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư, dự án sẽ khởi công vào ngày 30-4-2025”, ông Trần Quang Lâm cho hay.

cau-can-gio.jpgPhối cảnh cầu Cần Giờ mang đặc trưng rừng ngập mặn.

Liên quan đến dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), đại biểu Trần Quang Thắng đặt câu hỏi, tuyến metro số 1 sau khi hoàn thành sẽ được vận hành theo hình thức nào, thực hiện thu phí và sử dụng nguồn thu ra sao? Trước câu hỏi này, ông Trần Quang Lâm thông tin, dự án bảo đảm tiến độ, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2023 và đưa vào vận hành năm 2024. Thành phố đã có những phương án khai thác an toàn và hiệu quả, tạo thuận lợi nhất cho người dân tham gia lưu thông trên tuyến đường sắt này.

Đại biểu Lê Minh Đức đặt vấn đề, đến nay việc xây dựng phát triển hạ tầng giao thông chậm, chưa tương xứng tiềm năng, vị thế của thành phố. Đây là điểm nghẽn không chỉ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội thành phố mà còn ảnh hưởng đến cả vùng. Thành phố đã có những giải pháp gì để phát triển hạ tầng giao thông trong thời gian tới?

Trả lời vấn đề này, ông Trần Quang Lâm thừa nhận, công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng giao thông của thành phố còn chậm, cần thêm nguồn lực và thời gian. Hiện nguồn lực dành cho giao thông để thực hiện các dự án chỉ đạt 30%. Trong khi đó, một số dự án có nguồn lực, đã bố trí vốn nhưng nhiều dự án không đạt tiến độ. HĐND thành phố đã có nhiều cuộc giám sát và chỉ ra nguyên nhân lớn nhất là do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư chậm.

“Thành phố kỳ vọng, Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát huy các nguồn lực và tháo gỡ điểm nghẽn trên”, ông Trần Quang Lâm tin tưởng.

Theo Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, thành phố có hệ thống cảng hàng hóa lớn nhất cả nước, chiếm 25% sản lượng hàng hải của cả nước. Thành phố có cảng hàng không lớn, đóng góp khoảng 35% vào tổng sản lượng hàng không cả nước. Đây là lợi thế, đồng thời cũng là thách thức trong đầu tư, vận hành, khai thác.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nếu được thông qua, cầu Cần Giờ sẽ khởi công năm 2025

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.