(HNM) - Ngày 21-4, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã họp toàn thể, thẩm tra dự án Luật Tố tụng hành chính.
Với tính chất phức tạp của các khiếu kiện hành chính - một bên là cá nhân, tổ chức còn bên kia là cơ quan nhà nước nên việc ban hành một đạo luật về tố tụng hành chính được các đại biểu đồng tình nhằm bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích chính đáng của người dân. Theo dự thảo Luật Tố tụng hành chính, tòa án có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện về quyết định hành chính, hành vi hành chính, ngoại trừ các quyết định thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục Chính phủ quy định và các hành vi hành chính mang tính chất nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước. Về vấn đề này, các thành viên của Ủy ban Tư pháp đề nghị, cơ quan soạn thảo cần giải thích rõ khái niệm các hành vi ''mang tính chất nội bộ'' của cơ quan hành chính để không gây hiểu nhầm trong quá trình áp dụng pháp luật.
Cùng ngày, phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội để thảo luận về kết quả triển khai một số luật, dự án luật chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XII tới đã diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.
Đáng lưu ý là sau khi nghe báo cáo về tình hình triển khai Luật Bình đẳng giới năm 2009 và phương hướng mục tiêu năm 2010, các thành viên Ủy ban đã kiến nghị một số vấn đề cần làm rõ, nhất là đầu tư nguồn lực cho bình đẳng giới và việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật và các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.