Nghị quyết và Cuộc sống

Cần giải quyết bài toán tài chính cho các trường đại học

Tiến Thành 18/09/2023 - 11:08

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, nếu không giải quyết bài toán tài chính cho các trường đại học sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo đại học.

Sáng 18-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước và báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ tư.

Trước khi bước vào phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân đã mất trong vụ cháy xảy ra ngày 12-9 tại số nhà 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

nguyenthithuyngan.jpg
Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần báo cáo tại phiên họp.

Tự chủ đại học còn gặp nhiều khó khăn

Tại phiên họp, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần đã báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ tư trên 21 lĩnh vực.

Trong đó, đối với lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tỷ lệ các quy hoạch cần hoàn thành còn thấp, tiến độ lập các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh còn rất chậm. Việc triển khai một số nhiệm vụ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm, tỷ lệ giải ngân rất thấp. Nợ đầu tư xây dựng cơ bản chưa được khắc phục triệt để. Việc thu hút vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho các dự án có quy mô lớn, kết nối hạ tầng liên vùng, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai còn ít so với tiềm năng.

Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, các nội dung yêu cầu cơ bản đã được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, trong đó cơ chế, chính sách đẩy mạnh đầu tư, xã hội hóa, đổi mới tuyển sinh đại học, đẩy mạnh tự chủ đại học được triển khai. Công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp, đầu tư cơ sở vật chất tiếp tục được quan tâm. Quy trình tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia ngày càng chặt chẽ, minh bạch, khách quan, giảm tốn kém, tiêu cực.

quangcanh.jpg
Quang cảnh phiên họp.

Tuy nhiên, việc bảo đảm các quy chuẩn về đội ngũ, cơ sở vật chất, trường, lớp giáo dục mầm non vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ cấu đội ngũ giáo viên phổ thông chưa cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học và giữa các vùng miền; việc tuyển dụng giáo viên gặp nhiều khó khăn. Việc biên soạn, cung ứng, phát hành sách giáo khoa còn nhiều bất cập. Việc thực hiện tự chủ đại học còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là ở các ngành lĩnh vực công nghệ cao…

Về lĩnh vực nội vụ, việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Việc phân cấp, phân quyền được quan tâm đẩy mạnh. Những khó khăn, vướng mắc về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở từng bước được giải quyết. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung Chính phủ hoàn thành chậm so với yêu cầu hoặc chưa hoàn thành; hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được đánh giá. Công tác quản lý, hoạt động của người hoạt động không chuyên trách tại thôn, tổ dân phố gặp rất nhiều khó khăn. Việc cải cách tiền lương vẫn chưa bảo đảm tiến độ.

nguyendacvinh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh thảo luận.

Tập trung tháo gỡ những vướng mắc

Tham gia ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đề cập nội dung tự chủ đại học. Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, trong yêu cầu chung, hai năm nay các trường đại học không được tăng học phí, trong khi chi thường xuyên cho các trường đại học đã cắt giảm. Ông Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, nếu không giải quyết bài toán tài chính cho các trường đại học sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo đại học, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới bày tỏ quan tâm lĩnh vực nội vụ. Theo ông, tinh giản biên chế là chủ trương lớn của Đảng, thời gian qua đạt hiệu quả cao, vai trò tham mưu của Bộ Nội vụ rất tốt.

“Với những ngành có tính chất đặc thù như tòa án, kiểm sát, cơ quan điều tra của Bộ Công an… mà thực hiện tinh giản 7-10% theo chỉ tiêu chung là chưa hợp lý”, ông Lê Tấn Tới nói và đề nghị ngành Nội vụ nghiên cứu đề xuất với Đảng, Chính phủ để tinh giản biên chế đạt hiệu quả và phù hợp với thực tế.

tranluuquang.jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, việc xem xét thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ tư là sự nhắc nhở, lưu ý, thậm chí cảnh báo hết sức xác đáng, cần thiết để Chính phủ tiếp tục tập trung thực hiện trong thời gian tới.

“Trong báo cáo đã đề cập 18 lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Chính phủ, nhận xét chung các vấn đề này có 3 chữ “chậm, nợ, sót”, Chính phủ sẽ hết sức lưu ý vấn đề này”, Phó Thủ tướng nói.

Về những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm từ nay đến cuối năm, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, trước hết Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ những vướng mắc chủ yếu thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành; có một số việc cá biệt Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tháo gỡ.

Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng, tới đây sẽ tập trung nới lỏng sự tiếp cận tín dụng để các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn để cải thiện tình hình tổ chức sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển. Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. “Chúng tôi sẽ cố gắng nỗ lực để kết quả giải ngân tốt nhất có thể vì ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng GDP”, Phó Thủ tướng khẳng định .

Cũng theo Phó Thủ tướng, không có cách nào khác là đẩy mạnh công tác xây dựng lập và phê duyệt quy hoạch bởi Nghị quyết của Trung ương và của Quốc hội đều xác nhận hạn cuối là đến ngày 31-12-2023 phải xong.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần giải quyết bài toán tài chính cho các trường đại học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.