Giao thông

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông tại Hà Nội

Tiến Thành 12/09/2023 16:32

Dự kiến Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đến làm việc với 12 tỉnh, thành phố, trong đó có thành phố Hà Nội.

Chiều 12-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.

ubtvqh3.jpg
Quang cảnh phiên họp.

Thay mặt đoàn giám sát trình bày dự thảo kế hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới, Phó Trưởng đoàn Thường trực cho biết, công tác giám sát nhằm đánh giá khách quan, toàn diện trách nhiệm của Chính phủ trong việc chỉ đạo, phân công các bộ, ngành, địa phương thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023; công tác xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; làm rõ kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân (khách quan, chủ quan) của tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện và sự phối hợp thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và ý thức chấp hành pháp luật của các cấp, các ngành thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;

Phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền khắc phục tồn tại, hạn chế; điều chỉnh, xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện; đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn tiếp theo.

Đối tượng giám sát gồm: Chính phủ; Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong đó trọng điểm là Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải (Cục Cảnh sát giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam), Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp.

Các địa phương Đoàn công tác đến làm việc gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Đắc Lắc, Khánh Hòa, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ.

Đoàn giám sát cũng khảo sát tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan: Tổng Công ty hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Cảng Việt Nam, Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam, Hãng hàng không Vietjet Air, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Xí nghiệp xe buýt Hà Nội, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và Vận tải công cộng thành phố Đà Nẵng; một số doanh nghiệp đường thủy nội địa, hàng hải; một số hãng taxi; một số trường giáo dục phổ thông.

Thời gian giám sát lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ từ ngày 1-1-2009 đến hết ngày 31-12-2023; lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt từ ngày 1-1-2019 đến hết ngày 31-12-2023; lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa từ ngày 1-1-2015 đến hết ngày 31-12-2023; Về bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không dân dụng từ ngày 1-1-2016 đến hết ngày 31-12-2023; lĩnh vực an toàn hàng hải, an ninh hàng hải từ ngày 1-1-2018 đến hết ngày 31-12-2023.

nguyenthuyanh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp.

Thảo luận về dự thảo, cho rằng tồn tại, hạn chế trong trật tự, an toàn giao thông do nguyên nhân khách quan và chủ quan, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, công tác giám sát nên đặt nguyên nhân chủ quan lên hàng đầu, trong đó làm rõ trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành.

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị rà soát lại phạm vi giám sát, trong đó đề xuất tập trung giám sát lĩnh vực giao thông đường bộ bởi không phải địa phương nào cũng có đầy đủ các loại hình giao thông.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng cần bảo đảm giám sát có trọng tâm, trọng điểm bởi dự thảo chuyên đề có phạm vi rộng với 5 lĩnh vực giao thông, quy mô nhiều bộ, ngành, địa phương và thời gian giám sát rất dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông tại Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.