Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần giải pháp quản lý hành lang bờ sông, kênh, rạch phù hợp

Nguyễn Lê| 20/01/2017 07:31

(HNM) - Sau khi Báo Hànộimới có bài


Trả lại hành lang sông, kênh, rạch

Theo TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn (Hội Quy hoạch Việt Nam), việc giải tỏa nhà ở kênh rạch mới tập trung vào mục đích bảo vệ môi trường và giao thông, chưa tính tới việc trả lại không gian mặt nước và không gian xanh đã bị lấn chiếm. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, không gian hành lang bảo vệ là 50m mỗi bên đối với các sông cấp 1-2 như sông Sài Gòn; 30m đối với các sông, kênh, rạch cấp 3-4; 20m đối với kênh, rạch cấp 5-6; với kênh, rạch chưa được phân cấp kỹ thuật là 10m mỗi bên. Cũng theo TSKH. KTS Ngô Viết Nam Sơn, việc trả lại không gian nước và không gian xanh hai bên bờ sông, kênh, rạch không những giúp chỉnh trang cảnh quan đô thị mà còn tạo được luồng gió mát đối lưu góp phần làm mát đô thị.

Còn GS.TSKH Lê Huy Bá (nhà môi trường học) cho rằng, hiện trạng sông, kênh, rạch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang bị "tổn thương" nghiêm trọng. Có tới 97% số sông, kênh, rạch bị lấn chiếm ven bờ; 22,5% diện tích mặt nước bị lấn chiếm, bồi đắp để xây dựng nhà ở và công trình kiên cố. Các trường hợp bị lấn chiếm chủ yếu do người dân và một số đơn vị xây dựng nhà ở, công trình phụ, thậm chí san lấp sông, kênh, rạch phục vụ lợi ích cho tư nhân, kể cả doanh nghiệp nhà nước. Về vấn đề này, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh đã gửi văn bản thông báo cho các địa phương và các cơ quan chức năng liên quan nhưng việc xử lý còn rất chậm. Điều đáng lưu ý, gần như 100% sông, kênh, rạch bị ô nhiễm nguồn nước do ý thức của người dân cũng như tình trạng "thả nổi" công tác quản lý của cơ quan chức năng.

Thay đổi tư duy, mạnh dạn đột phá


Vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh đã có quyết định điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch cho một số đồ án quy hoạch phân khu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thành phố cần mạnh dạn bãi bỏ những quy định không còn phù hợp. TS.KTS Nguyễn Thiềm (Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP Hồ Chí Minh) cho rằng, sau khi phủ kín các đồ án quy hoạch phân khu trên địa bàn thành phố thì có thể dừng thi hành Quyết định 50/2004/QĐ-UB về quản lý hành lang sông, rạch bởi quyết định trên sẽ kìm hãm sự đột phá của thành phố trong quản lý hệ thống sông, rạch, đồng thời dẫn tới các quy hoạch "treo".

Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, những yếu kém trong công tác quản lý hệ thống sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố có nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng chủ quan là chính, trong đó, tư duy về phát triển kết cấu hạ tầng chậm đổi mới, chưa phù hợp. Nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém này, UBND TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ ban hành Quy định mới về quản lý, sử dụng hành lang bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn. Thành phố cũng đã giao các sở, ban, ngành có liên quan nghiên cứu, xác định các công trình được phép xây dựng hoặc xây dựng tạm trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ, vừa giải quyết nhu cầu thực tiễn (công trình thể dục thể thao, kho bãi phục vụ cảng biển, cảng thủy nội địa theo quy hoạch, nhà ở…) vừa bảo đảm cảnh quan thiên nhiên sông nước và quy hoạch đô thị. UBND thành phố cũng yêu cầu nâng cao trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu trong công tác quản lý các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần giải pháp quản lý hành lang bờ sông, kênh, rạch phù hợp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.