(HNM) - Trong khi nhiều địa phương vẫn đang loay hoay tìm giải pháp thu gom và xử lý triệt để rác thải sinh hoạt thì ở xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất sau một năm triển khai đề án
Đại Đồng là xã thuần nông, địa bàn rộng, với 2.454 hộ, gần 9.700 nhân khẩu, phân bố ở 11 thôn. Những năm trước, do nhận thức của người dân hạn chế, cơ sở vật chất chưa bảo đảm và chưa có đãi ngộ thỏa đáng cho người làm công tác vệ sinh môi trường (VSMT) nên trên địa bàn xã có nhiều bãi đổ rác tự phát gây ô nhiễm, lượng rác lưu đọng ở cơ sở còn nhiều.
Mỗi người dân xã Đại Đồng đều có ý thức phân loại rác tại nguồn.
Để hỗ trợ xã Đại Đồng thực hiện đề án điểm "phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn” năm 2009, huyện Thạch Thất đã đầu tư kinh phí mua 4.600 thùng nhựa đựng rác cấp cho các hộ dân; 26 xe thu gom rác cấp cho 13 tổ thu gom và quần áo bảo hộ lao động cho 29 thành viên các tổ thu gom rác. UBND xã cũng đã đầu tư 200 triệu đồng xây dựng bãi tập kết rác tập trung và ký hợp đồng với công ty VSMT vận chuyển rác về nơi xử lý.
Ông Khuất Duy Hải, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng cho biết: Xã đã tổ chức hàng chục hội nghị tuyên truyền cho nhân dân hiểu ý nghĩa của việc thu gom, phân loại rác thải tại nguồn; tuyên truyền thường xuyên trên đài truyền thanh xã với nội dung bảo vệ môi trường và phát tờ rơi hướng dẫn nhân dân cách thu gom, phân loại rác thải tại nguồn… Theo anh Kiều Xuân Huy, cán bộ môi trường xã Đại Đồng, cái được lớn nhất khi thực hiện đề án là 100% số hộ dân, cơ quan, đơn vị đã nhận thức và thực hiện tốt việc phân loại rác thải tại nguồn thành 2 loại rác, phân hủy (có nguồn gốc thiên nhiên) và rác không phân hủy (túi nilon).
Đề án đã đạt được mục tiêu giảm 30% lượng rác thải phải mang đi chôn lấp. Mô hình này được đánh giá là một giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế đầu vào của rác thải trong khi đầu ra đang rơi vào tình trạng quá tải bởi không còn chỗ chôn lấp rác. Tuy nhiên theo ông Khuất Khắc Sơn, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Thạch Thất, để triển khai đề án thu gom, phân loại rác tại nguồn ra đại trà trên địa bàn huyện cần một thời gian dài, không chỉ để xây dựng các quy định mà còn phải tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân. Khó khăn lớn nhất khi nhân mô hình này ra diện rộng đó là kinh phí đầu tư mua xe chở rác, thùng phân loại rác. Hiện tại, một thùng chứa để phân loại rác giá 85.000 đồng, một xe chở rác giá 2,3 triệu đồng, như vậy kinh phí đầu tư mua xe và thùng đựng rác đối với các xã, thị trấn, các hộ dân trên địa bàn huyện cần kinh phí khá lớn. Bên cạnh khó khăn về kinh phí, việc tổ chức thu phí VSMT cũng cần sự hưởng ứng, tự giác của người dân. Nhiều năm nay UBND xã Đại Đồng thu phí VSMT theo quyết định của UBND TP với mức 1.500 đồng/người/tháng. Tuy nhiên, do số nhân khẩu thường xuyên biến động, ý thức của người dân trong việc nộp phí chưa cao nên tỷ lệ số hộ nộp phí VSMT mới chỉ đạt trên 70%. Để thực hiện được đề án phải đáp ứng được 3 yếu tố: có bãi chứa rác, thành lập được các đội thu gom rác và thu phí VSMT của các hộ dân.
Trên thực tế, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Thạch Thất mới chỉ đáp ứng được 2/3 yếu tố trên. Trong năm 2011 huyện Thạch Thất sẽ nhân rộng mô hình ra một số xã đã có đủ các tiêu chí như có bãi chứa rác, thành lập được các tổ thu gom rác, tổ chức thu phí của các hộ dân, trước mắt, xã Hương Ngải sẽ thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.