(HNM) - Năng lượng có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên việc phát triển mạnh mẽ các dự án điện mặt trời gần đây khiến nguồn cung điện dư thừa trong thời gian nhất định, nếu không có sự điều chỉnh sẽ ảnh hưởng đến an toàn hệ thống điện.
Cụ thể, thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vừa qua, công suất và sản lượng điện tiêu thụ trên cả nước đều giảm mạnh so với ngày thường (khoảng 27% về công suất và 32% về sản lượng). Đặc biệt, tổng công suất phụ tải tiêu thụ điện toàn quốc vào giờ thấp điểm xuống rất thấp, chỉ còn khoảng 12.500-13.500MW. Trong khi tổng công suất lắp đặt nguồn toàn hệ thống đã ở mức khoảng 69.000MW, với hơn 21.600MW năng lượng tái tạo (riêng về điện mặt trời có công suất tổng cộng hơn 16.000MW).
Sự chênh lệch quá lớn giữa nguồn phát, có tỷ lệ không nhỏ liên quan đến điện mặt trời và phụ tải tiêu thụ được đánh giá là tình huống nguy hiểm, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, an ninh của hệ thống điện. Điều này có thể khiến tần số hệ thống điện tăng cao, thậm chí gây sự cố trên toàn hệ thống điện quốc gia. Vì vậy, ngay từ đầu tháng 2-2021, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã chủ động cảnh báo, phối hợp với các chủ đầu tư nguồn phát điện để giảm mức sản xuất, bảo đảm vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia.
Như vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là cần cân đối đầu tư các dự án điện mặt trời, tránh tình trạng phát triển nhanh, ồ ạt. Quy hoạch và phê duyệt dự án điện mặt trời nói riêng, điện nói chung cần bám sát nhu cầu phát triển năng lượng của đất nước, để vừa bảo đảm đáp ứng đủ nhưng cũng tránh dư thừa gây lãng phí đầu tư và nguy cơ mất an toàn hệ thống điện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.