Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cân đối chứng, bây giờ ở đâu?

Bài, ảnh: Bảo Nga| 08/10/2011 06:57

(HNM) - Đã có thời, hàng chục chiếc cân đối chứng, phương tiện hữu hiệu ngăn chặn nạn cân thiếu, cân “điêu” được lắp đặt tại các chợ lớn trên địa bàn thành phố. Giờ đây những chiếc cân này đã bị không ít Ban quản lý chợ lãng quên...

Vang bóng và... vắng bóng

Năm 2006, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hà Nội (Chi cục TCĐLCL) đồng loạt lắp đặt 26 chiếc cân đối chứng tại các chợ trung tâm và một số chợ đầu mối ở ngoại thành, gồm Chợ Hôm - Đức Viên, chợ Mơ, Khương Thượng, Thái Hà, Ngã Tư Sở, Long Biên, Hải Bối… Theo đại diện Chi cục TCĐLCL, việc lắp đặt cân đối chứng nhằm tăng cường khả năng kiểm định, hiệu chuẩn đối với các thiết bị đo kiểm, giúp người tiêu dùng (NTD) có thể kiểm tra lại ngay trọng lượng hàng hóa khi có nghi ngờ. Bên cạnh đó, trạm cân đối chứng còn là cơ sở pháp lý, phục vụ nhu cầu cân đối chứng và công tác đấu tranh chống gian lận trong đo lường. Về lý thuyết, các trạm cân đối chứng thực sự là trợ thủ đắc lực của NTD trong việc chống lại tệ cân thiếu, cân điêu. Nhưng trên thực tế, những trạm cân này đã không phát huy hiệu quả như mong muốn...

"Xác" chiếc cân đối chứng tại chợ Khương Đình.

Để kiểm chứng nhận định trên, chúng tôi làm cuộc khảo sát nhỏ tại một số chợ trong danh sách được lắp đặt cân đối chứng. Tại chợ Ngã Tư Sở, sau khi hỏi hàng chục người bán hàng về nơi lắp đặt cân đối chứng, chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu ngơ ngác. Chị Hoa, một người bán hoa quả dầm trước cổng chợ cho biết: "Em bán hàng ở đây hơn hai năm, chưa từng nghe ai nhắc đến chiếc cân đối chứng như chị hỏi". Sau một hồi vất vả tìm kiếm, cuối cùng chúng tôi cũng đến được địa chỉ cần tìm. Thế nhưng, tại nơi đặt chiếc cân đối chứng trước kia chỉ còn trơ lại chiếc cột sắt. Một chị bán đậu phụ tại khu vực trước cổng chợ cho biết, vài năm trước một chiếc cân được lắp đặt tại đây, nhưng lâu ngày chẳng có ai sử dụng, cộng thêm mưa nắng dãi dầu nên chiếc cân đã mục ruỗng, bàn cân hoen gỉ, không thể sử dụng. Vì vậy, cách đây vài tháng, chiếc cân đã được đại diện Ban quản lý chợ tháo dỡ, khiêng đi đâu không rõ.

Tại chợ Khương Đình, chiếc cân đối chứng đã lắp đặt cũng chịu chung số phận. Tuy được nhiều người biết đến do đặt ngay lối ra vào cổng chợ, nhưng phải mất 20 phút chúng tôi mới tìm ra vị trí của chiếc cân. Một người bán trứng gà gần cổng chợ cho hay, thời gian trước, chiếc cân được đặt sát quầy hàng của chị. Dịp Rằm tháng Tám vừa qua, Ban quản lý bày một tủ kính tại vị trí đặt cân để kinh doanh thêm mặt hàng bánh Trung thu, do đó chiếc cân được để tạm vào một góc. Theo chỉ dẫn của những người bán hàng, chúng tôi đã "thực mục sở thị" chiếc cân đối chứng bị vứt chỏng chơ phía góc chợ như mớ đồng nát, toàn bộ mặt bàn và chân đế đặt cân đã gỉ sét, không thể sử dụng.

Đến chợ Hôm, chúng tôi may mắn bắt gặp chiếc cân đối chứng đặt ngay lối ra vào khu kinh doanh thực phẩm. Chiếc cân đồng hồ loại 20kg đã cũ, gỉ sét, bụi bám khá dầy được đặt trên một bệ bê tông, phía trên là tấm biển hướng dẫn sử dụng cân đã bị một tấm biển quảng cáo khác trùm lên quá nửa. Không có nhân viên điều hành nào đứng cạnh khu vực đặt cân đối chứng. Bà Phan Thị Mỹ Hà - Phó ban Quản lý chợ Hôm cho biết, ngay từ năm 2003, chợ đã cho lắp đặt cân đối chứng. Năm 2006, cân điện tử được Chi cục TCĐLCL lắp đặt tại chợ, nhưng do chất liệu sử dụng làm cân không phù hợp với điều kiện thời tiết và hàng hóa trong chợ nên nhanh chóng bị hoen gỉ, xuống cấp. Ban quản lý chợ quyết định thay thế cân điện tử bằng chiếc cân cơ như hiện nay...

Quyền lợi NTD bị "bỏ quên"...

Đã hai tuần trôi qua, nhưng chị Nguyễn Thu Trà (phường Thành Công) vẫn ấm ức mỗi khi nhớ lại buổi đi chợ bị người bán hàng "móc túi". Chiều hôm đó chị Trà vào chợ Thành Công, định bụng mua con cá thật ngon đãi khách từ quê lên chơi. Không thấy cô bán hàng quen biết, chị đành đến một hàng cá cạnh đó. Bà chủ hàng "hét" 90.000 đồng/kg cá chép loại to, mặc cả xuống 60.000 đồng/kg, người bán lưỡng lự giây lát rồi gật đầu. Đến khi cân, nhìn con cá không to nhưng trọng lượng lên tới hơn 2kg, chị Trà có ý nghi ngờ. Chợt nhớ vừa mua hộp sữa bột nặng 950 gram, chị yêu cầu người bán cá cân thử thì hộp sữa "tăng lên" gần 200 gram (đồng nghĩa với việc con cá chị Trà mua đã bị người bán cân "vống lên" gần 200 gram so với trọng lượng thực tế. Bực mình hơn cả là khi đề nghị bà bán cá trả lại tiền thừa do cân điêu, chị Trà nhận được câu trả lời rất thản nhiên: "Thời buổi này làm gì có cá chép giá 60.000 đồng? Thích mua rẻ thì cân chỉ có thế...".

Hỏi chuyện một số người bán hàng, chúng tôi vỡ lẽ, đa số cân bàn, cân điện tử… được sử dụng tại các chợ hiện nay đều rất dễ bị "can thiệp" nhằm có lợi cho người bán. Chỉ bằng thủ thuật điều chỉnh kim cân đối với cân cơ và chèn chốt thăng bằng với cân tay, người bán có thể dễ dàng làm sai lệch từ vài lạng, thậm chí cả kilogam, tùy theo sản phẩm. Với những mặt hàng giá rẻ, thiếu hụt vài lạng có thể NTD không mấy quan tâm. Nhưng với những mặt hàng đắt tiền, hao hụt dù chỉ một trăm gram thì NTD đã bị "móc túi" số tiền đáng kể. Người bán thịt bò chỉ cần cân thiếu nửa lạng (50 gram), họ đã thu về hơn 10.000 đồng. Những mặt hàng đắt tiền như cua, ghẹ, tôm… nếu người bán cố tình cân điêu, số tiền lợi thu về không hề nhỏ... - một NTD phân tích.

Để bảo vệ quyền lợi của NTD, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hành vi gian lận thương mại, vi phạm đạo đức kinh doanh của người bán hàng, bên cạnh đó việc "cân đúng, cân đủ" cần được xem như một trong những tiêu chí xây dựng "Chợ văn minh". Và nên chăng thành phố chỉ đạo khôi phục, duy trì hoạt động của hệ thống cân đối chứng tại các chợ như một thời nó đã "vang bóng"...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cân đối chứng, bây giờ ở đâu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.