Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần đầu tư tương xứng cho cầu Long Biên

Tuấn Lương| 08/06/2022 17:18

(HNMO) - Không gì có thể thay thế cây cầu Long Biên, cả ở giá trị văn hóa và chức năng giao thông, do đó cần thiết phải đầu tư bảo tồn cầu. Đây là quan điểm được đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia khẳng định tại tọa đàm “Ứng xử thế nào với cầu Long Biên”, do Báo Giao thông tổ chức ngày 8-6.

Các đại biểu tại tọa đàm.

Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng là 1 trong 3 tuyến huyết mạch của ngành Đường sắt (gồm tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Lào Cai).

Ông Nguyễn Quốc Vượng, Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải, đơn vị trực tiếp quản lý, duy tu, bảo trì cầu Long Biên cho biết, sau hơn 120 năm sử dụng, cầu Long Biên được xếp vào loại cầu yếu nhưng hằng ngày vẫn “gánh” trên mình hàng chục nghìn lượt phương tiện qua lại, trong đó có tàu hỏa, xe máy, xe đạp... Trong tháng 5-2022, cây cầu này đã xảy ra 2 vụ sập tấm đan trên lối đi dành cho người đi bộ và mặt đường bộ dành cho xe máy, xe thô sơ lưu thông, uy hiếp an toàn giao thông.

Do là cầu yếu nên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã phải hạn chế tốc độ cho tàu qua cầu Long Biên là 15km/h (trước đây là 25-30km/h). Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải đã cắm biển cấm ô tô, cấm xe máy thồ, xe đạp thồ lưu thông qua cầu từ 5h-20h hằng ngày; lắp 3 camera theo dõi trạng thái của cầu, phát hiện những vi phạm và trích xuất camera hằng ngày, hằng tuần gửi về Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng như các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội để xử lý vi phạm bằng hình thức phạt “nguội”.

“Do cầu đã hơn 120 năm tuổi, các kết cấu thép đã han gỉ, ăn mòn, đòi hỏi phải được sửa chữa lớn để bảo đảm an toàn cho các phương tiện qua cầu. Từ những sự cố vừa qua, cần một phương án dài hơi cho cầu Long Biên, không thể kéo dài tình trạng duy tu nhỏ giọt, hỏng đâu sửa đó như hiện nay”, ông Nguyễn Quốc Vượng kiến nghị.

Đồng quan điểm cần phải sửa chữa lớn, ông Bùi Khắc Điệp, Phó Vụ trưởng Vụ kết cấu hạ tầng (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, sau khi xảy ra những sự cố trên cầu Long Biên thời gian gần đây, Bộ đã chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam rà soát, khẩn trương sửa chữa ngay những hư hỏng. Đồng thời giao Tổng công ty trong năm nay kiểm định tổng thể cây cầu, đề xuất những hạng mục cần sửa chữa, quy mô, nguồn vốn và lộ trình sửa chữa cầu Long Biên. Từ đó, Bộ tiếp tục báo cáo các cấp có thẩm quyền để bố trí vốn triển khai, thực hiện. Trước mắt, trong năm nay đã bố trí nguồn vốn để sửa chữa phần đường bộ, bao gồm cả phần đường bộ cho xe đạp, xe máy và lối cho người đi bộ. Đây cũng là phần đường vừa qua xảy ra hiện tượng sập tấm đan.

“Hiện nguồn vốn bảo trì chỉ đủ để duy trì trạng thái cầu ở mức tối thiểu. Đang rất cần có dự án tổng thể để gia cố nâng cấp chứ không thể kéo dài mãi việc sửa chữa chắp vá, nhỏ lẻ như hiện tại và chắc chắn nếu sửa chữa sẽ cần nguồn kinh phí rất lớn vì hầu như các cấu kiện của cầu đã đều quá tuổi thọ", ông Bùi Khắc Điệp nói.

Cần thiết phải đầu tư bảo tồn

Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng, không gì có thể thay thế cây cầu Long Biên. Để giữ gìn cầu Long Biên, các cơ quan quản lý cần có phương án phân luồng giao thông, tổ chức giao thông linh hoạt để bảo đảm khai thác một cách phù hợp nhất. Phá đi thì dễ, dựng lại rất khó, nhất là với một di sản. Do đó, cần phải đầu tư nhiều hơn cho duy tu.

Về phía thành phố Hà Nội, ông Trần Đăng Hải - Trưởng phòng Kết cấu hạ tầng (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) cho rằng, cầu Long Biên hiện hữu luôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Hà Nội trong mọi giai đoạn, thời kỳ. Hiện nay, mặc dù cầu đã quá tải, xuống cấp nhưng vẫn phục vụ giao thông qua lại cho người dân vùng lõi hai bên cầu như khu vực quận Hoàn Kiếm, khu vực Ái Mộ (quận Long Biên), giảm tải rất nhiều cho cầu Chương Dương.

Thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giao thông Vận tải đang bàn giao hồ sơ các tuyến đường sắt theo quy hoạch cho Hà Nội. Trong đó có tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên có liên quan đến cầu Long Biên. Sau khi bàn giao xong, Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục nghiên cứu tuyến này, khi đó sẽ rõ định hướng ra sao với cầu Long Biên hiện hữu.

Còn đường sắt quốc gia sẽ không đi qua cầu, dừng tại khu vực đường sắt đầu mối Ngọc Hồi. Tại Ngọc Hồi là đầu mối của 3 tuyến đường sắt: Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị.

“Ngay cả khi đã hoàn thành xong tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên, hay làm xong các cầu mới bắc qua sông Hồng thì cầu Long Biên vẫn có ý nghĩa quan trọng, vừa phục vụ người dân hai bên đầu cầu, vừa phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch của du khách trong và ngoài nước đến Thủ đô. Do đó cần thiết phải đầu tư bảo tồn cầu”, ông Trần Đăng Hải khẳng định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần đầu tư tương xứng cho cầu Long Biên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.