Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần đánh giá tác động của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Hiền Thu| 10/10/2022 17:45

(HNMO) - Chiều 10-10, Bộ Nội vụ phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức cuộc họp với đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan để cho ý kiến về dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng phát biểu tại cuộc họp.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy đồng chủ trì hội nghị.

Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có 6 chương và 92 điều (giảm 1 chương, tăng 18 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba), quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Tại cuộc họp, các đại biểu đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ… đã đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Nhìn chung các ý kiến cho rằng, dự thảo Luật lần này đã tiếp thu, khắc phục nhiều vấn đề so với dự thảo lần trước. Đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở liên quan nhiều đến người dân và đến thời điểm này dự thảo Luật đã thể hiện được quan điểm khá đầy đủ về dân chủ ở xã, phường, thị trấn, đặc biệt là phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”… Một số ý kiến cho rằng, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân bên cạnh kết quả vẫn còn những hạn chế cả về quy định và cách thực hiện.  

Trong khi đó, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn chứng, theo quy định của pháp luật hiện hành, công đoàn là tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại doanh nghiệp. Công đoàn có chức năng và quyền hạn gần như bao phủ hết các quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân, quy định tại Khoản 2 Điều 80 dự thảo và còn mở rộng nhiều quyền hạn có tính đại diện và bảo vệ quyền lợi cao hơn cả Ban Thanh tra nhân dân. Người lao động có thể thông qua công đoàn để thực hiện các quyền kiểm tra, giám sát của mình ở cơ sở.

Mặt khác, theo quy định tại Điểm e, Khoản 2, Điều 82 của dự thảo, “Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở sẽ thực hiện các nhiệm vụ của Ban Thanh tra nhân dân ở các tổ chức không tổ chức Ban Thanh tra nhân dân”.

Trên cơ sở đó, đại diện VCCI cho rằng, tổ chức công đoàn có thể đảm nhiệm được vai trò, chức năng của Ban Thanh tra nhân dân. Việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở tổ chức có sử dụng lao động là không cần thiết.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, dự thảo hiện có một số quy định liên quan đến lĩnh vực lao động, có nguy cơ chồng lấn và khác biệt với pháp luật lao động hiện hành. Điều này có nguy cơ tạo ra khó khăn trong áp dụng trên thực tế. Các đại biểu cũng đề xuất cần đánh giá tác động của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, để bảo đảm rằng việc thực hiện luật này không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến, tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ tư (tháng 10-2022).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần đánh giá tác động của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.