Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần có kế hoạch hành động phù hợp

Bảo Khánh| 31/07/2022 11:25

(HNMCT) - Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể là lĩnh vực không chỉ đòi hỏi các nhà quản lý và cộng đồng thực hành, nắm giữ di sản tinh thần trách nhiệm mà còn là nhận thức đúng đắn về di sản. Di sản văn hóa phi vật thể vốn đa dạng, luôn vận động và biến đổi theo sự phát triển của xã hội. Vì thế, nếu không có nhận thức đúng, đủ, kịp thời và toàn diện, di sản sẽ rất dễ bị mai một, biến dạng, thậm chí là biến mất hoàn toàn. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

- Xin được bắt đầu bằng một sự kiện, vừa qua Việt Nam được bầu vào Ủy ban Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Điều này có ý nghĩa gì, thưa ông?

- Việc Việt Nam trở thành thành viên Ủy ban Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO vào ngày 6-7-2022 với 120 phiếu, cao nhất trong số các nước trúng cử cho nhiệm kỳ 2022 - 2026 là một sự kiện rất có ý nghĩa. Đây là lần thứ hai Việt Nam đảm nhận trọng trách này tại cơ quan điều hành then chốt về văn hóa thuộc UNESCO. Điều này thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của Việt Nam tại các thể chế đa phương toàn cầu, đồng thời là sự ghi nhận đối với những đóng góp của Việt Nam trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong nước và trên thế giới. Tôi hy vọng rằng, từ cơ hội của việc tham gia lần này, chúng ta sẽ quan tâm nhiều hơn nữa đến di sản văn hóa của dân tộc để trở thành tấm gương tốt cho thế giới, đồng thời khẳng định vị trí và uy tín Việt Nam.

- Là người có nhiều năm gắn bó với công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, theo ông, những thách thức mà loại hình di sản này phải đối mặt là gì?

- Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác. Vì thế, di sản văn hóa phi vật thể luôn trong trạng thái mong manh, dễ thay đổi, thậm chí là biến mất nếu không được bảo vệ và phát huy đúng cách.

Một hiện tượng văn hóa phi vật thể như lễ hội, trò chơi hay một điệu múa, bài hát… luôn bị chi phối bởi hoàn cảnh lịch sử, cộng đồng thực hành, thậm chí bởi một nghệ nhân cụ thể. Đó là lý do tại sao chúng ta thấy di sản văn hóa phi vật thể có nhiều dị bản, hay thay đổi, thậm chí bị làm mới hoặc biến mất bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Có những di sản phụ thuộc rất lớn vào một số ít nghệ nhân mà nếu họ mất đi, toàn bộ kho tàng di sản sẽ mất theo họ. Di sản văn hóa phi vật thể cũng phụ thuộc vào một cộng đồng, một bối cảnh… mà khi những yếu tố đó không còn, di sản cũng mất đi ý nghĩa, thậm chí không thể tồn tại một cách độc lập. Đó là lý do chúng ta coi nghệ nhân như “báu vật nhân văn sống”, còn cộng đồng, môi trường diễn xướng là yếu tố then chốt cho quá trình bảo vệ di sản.

Ở nước ta, do đặc thù địa lý, thời tiết và nhiều cuộc chiến tranh nên nhiều di sản văn hóa vật thể bị mai một. Vì vậy, di sản văn hóa phi vật thể càng trở nên quan trọng để chúng ta hiểu sâu hơn về lịch sử, văn hóa của dân tộc. Một loại hình diễn xướng như xòe Thái, hát xoan, quan họ hay Lễ hội Gióng không đơn thuần là một hiện tượng văn hóa, mà còn chứa đựng dấu ấn thời gian, câu chuyện lịch sử, thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan và vũ trụ quan của cộng đồng sở hữu di sản.

- Nhiều di sản văn hóa phi vật thể đang đứng trước nguy cơ mai một. Chúng ta cần làm gì để bảo vệ và phát huy giá trị di sản một cách phù hợp với cuộc sống hiện đại?

- Việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể gặp rất nhiều khó khăn, ở cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, đặc biệt là từ nhận thức của con người về di sản. Để khắc phục tình trạng đó, trước tiên chúng ta cần có nhận thức đúng đắn về di sản văn hóa. Chúng ta cần phải coi di sản là tài sản vô giá mà cha ông ta đã để lại cho thế hệ hiện tại, là hành trang để đi đến tương lai. Di sản giúp chúng ta hình thành căn tính dân tộc, hình thành nên sức mạnh mềm của đất nước, lan tỏa giá trị sang các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội.

Từ nhận thức đầy đủ như vậy, cần có kế hoạch hành động phù hợp để bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Những câu hỏi then chốt như “di sản cho ai”, “di sản để làm gì” phải luôn được đặt ra trong bất kỳ một kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di sản nào. Mỗi di sản, ngoài những nguyên tắc chung, cần được bảo vệ theo cách riêng, phù hợp với đặc thù riêng của di sản. Di sản văn hóa phi vật thể, dù bản chất có thể không thay đổi, nhưng hình thức lại thay đổi theo thời gian. Bởi thế, nhất thiết phải giữ gìn tinh thần, giá trị của di sản ấy, trong khi vẫn phải tạo điều kiện để di sản vận động phù hợp với bối cảnh xã hội đương đại.

Di sản văn hóa phi vật thể cần phải là di sản “sống”, gắn bó với cộng đồng sở hữu di sản, được thực hành thường xuyên, liên tục. Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản qua việc ban hành cơ chế, chính sách, luật pháp, phân bổ nguồn lực đồng thời huy động mọi nguồn lực xã hội cho hoạt động quan trọng này. Cộng đồng cần phải được xem là đối tượng quan trọng nhất trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản phi vật thể vì cộng đồng là nơi di sản được sinh ra, nuôi dưỡng, biến đổi, thực hành.

- Việc đưa các di sản vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hoặc được UNESCO ghi danh có ý nghĩa như thế nào, thưa ông? Ông nghĩ sao về hiện tượng “chạy đua” danh hiệu di sản ở các địa phương?

- Việc UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể cho các quốc gia là một sự công nhận giá trị văn hóa của quốc gia ấy, đồng thời khuyến khích các quốc gia quan tâm nhiều hơn đến di sản, từ đó di sản văn hóa sẽ có thêm cơ hội phát huy giá trị đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, xác định chủ quyền quốc gia bằng văn hóa. Thương hiệu di sản văn hóa do UNESCO ghi danh cũng góp phần tạo ra những lợi ích chính trị, kinh tế - xã hội khác. Sau khi ghi danh, hầu hết di sản đều trở thành địa điểm thu hút khách du lịch, tạo tác động rất lớn đối với sự phát triển của các địa phương.

Có thể thấy, nhiều địa phương đã rất nỗ lực trong việc ghi danh di sản nhưng chưa thực sự thực hiện tốt kế hoạch hành động đã cam kết với UNESCO. Chúng ta chưa khai thác tốt giá trị của di sản văn hóa mà chủ yếu tập trung khai thác tối đa lợi ích kinh tế của di sản, cộng đồng sở hữu di sản mất đi một phần quyền, lợi ích liên quan đến di sản. Có sự cạnh tranh mang tính “háo danh”, thiếu thực chất trong việc xin công nhận di sản ở nhiều nơi. Đây là điều chúng ta cần phải khắc phục để bảo đảm giá trị, thương hiệu, chất lượng của di sản văn hóa phi vật thể.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có kế hoạch hành động phù hợp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.