(HNMO) - Sáng 10-9, tiếp tục phiên họp thứ 37, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).
Trình bày Tờ trình dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) gồm có 6 chương và 62 điều; tăng 26 điều so với luật năm 2005.
Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) là tách quyền với nghĩa vụ của thanh niên thành hai điều khác nhau, đồng thời quy định chính sách của Nhà nước gắn liền với quyền, nghĩa vụ trong từng lĩnh vực.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Thanh niên là đối tượng thụ hưởng và chịu tác động của hầu hết các luật. Do đó, việc dự thảo luật liệt kê quyền, nghĩa vụ và các chính sách theo từng lĩnh vực sẽ dễ dẫn đến chồng chéo, trùng lắp, mâu thuẫn, vừa thừa vừa thiếu so với các luật chuyên ngành. Vì vậy, trong quá trình thiết kế các quy định trong dự thảo, Ban soạn thảo cần tính đến mối quan hệ giữa Luật Thanh niên và các luật ở từng lĩnh vực để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu quan điểm: “Luật này có quy định chính sách đặc thù cho thanh niên là không hợp lý, bởi đây là đối tượng khỏe nhất chứ không phải yếu thế”. Chung quan điểm, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh: “Thanh niên cần thấy được trách nhiệm, vai trò, sứ mệnh của mình trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhưng trong xây dựng dự án luật lại thiên về đòi hỏi quyền lợi và chính sách của Nhà nước”.
Cho ý kiến về dự án luật, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Về cơ bản, các chính sách trong Luật Thanh niên (sửa đổi) được kế thừa từ Luật Thanh niên năm 2005. Tuy nhiên, nhiều chính sách còn chung chung và chồng lấn với nhiều lĩnh vực khác. Đồng chí đề nghị Ban soạn thảo bám sát nội dung liên quan đến thanh niên đã được quy định ở Khoản 2, Điều 37 Hiến pháp năm 2013 để cụ thể hóa trong luật này. Những vấn đề về quyền và nghĩa vụ của thanh niên đã được quy định khá đầy đủ trong các luật chuyên ngành nên cần có cách tiếp cận mới hơn, tránh trùng lặp.
“Cần làm rõ quy định của Hiến pháp 2013 về việc tạo điều kiện cho thanh niên được tiếp cận những quyền mà Hiến pháp đã quy định. Đây là những nội dung hết sức quan trọng cần tiếp tục được nghiên cứu để quy định cụ thể trong Luật Thanh niên (sửa đổi). Vấn đề không phải là thanh niên có quyền gì, trách nhiệm gì mà cơ bản là thanh niên cần những điều kiện bảo đảm gì để thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình theo Hiến pháp quy định”, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc quy định thanh niên có nghĩa vụ tham gia các hoạt động tình nguyện vì lợi ích của cộng đồng, xã hội (Khoản 3, Điều 15) để bảo đảm bản chất của hoạt động tình nguyện là hoạt động tự nguyện; vấn đề đối thoại với thanh niên cần chú ý tính hiệu quả, thiết thực và tránh hình thức; cần quan tâm tới việc tham gia của thanh niên vào hoạch định chính sách…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.