Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần có chính sách mạnh để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu

Vương Tuấn Anh| 22/02/2015 06:27

(HNM) - Năm 2015, kinh tế Việt Nam được dự báo là có sự thay đổi tích cực, bền vững. Triển vọng kinh tế sẽ chuyển gam màu sáng và được hiện thực hóa bởi nhiều đột phá về thể chế; đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình phát triển; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước cùng với việc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, phát huy dân chủ… Tuy nhiên, cùng với đó Việt Nam cần duy trì con đường tăng trưởng thận trọng.



Nhân dịp đầu Xuân Ất Mùi, Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam xung quanh vấn đề này.

PGS.TS Trần Đình Thiên.


Tín hiệu khả quan

- Thưa ông, năm 2014 kinh tế Việt Nam từng được ví như “người mới ốm dậy”, song đến nay đã bước vào giai đoạn phục hồi. Ông nhận định về vấn đề này như thế nào?

- Năm 2014, thể trạng nền kinh tế vẫn còn trì trệ nhưng sang 2015 tất cả các tín hiệu cho thấy nền kinh tế thực sự phục hồi dù còn rất mong manh, chủ yếu vẫn là những đóng góp của các doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài FDI. Về vĩ mô, Việt Nam đã đẩy lùi được lạm phát; các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ... đều đã ổn định; dư địa để thực hiện các chính sách lớn đã thuận lợi hơn. Các ngành du lịch, nông nghiệp, thủy, hải sản tiếp tục tăng trưởng. Xuất khẩu lao động cũng là một trong các trọng tâm tạo đột phá mới cho tăng trưởng việc làm. Công nghiệp phụ trợ từng bước được định hình và phát triển theo hướng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các DN đã có nhiều cố gắng để hoạt động có hiệu quả. Sức hấp thu vốn của nền kinh tế có bước cải thiện. Năm 2015 với mục tiêu tín dụng tăng 13-15% sẽ góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức cao hơn là 6,2%… Những ngành nghề dự báo tăng trưởng mạnh từ năm 2015 là bất động sản, vật liệu, dịch vụ xây dựng, dịch vụ tiêu dùng, hàng tiêu dùng, nông - lâm sản. Đầu tư vào quỹ mở cũng đang là một lựa chọn thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của các doanh nhân.

- Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP năm 2014 của Việt Nam đạt 5,98%. So với các nước trong khu vực, con số này liệu có phản ánh thực chất nội tại của nền kinh tế Việt Nam?

- Nếu so về chỉ số tốc độ tăng trưởng GDP đơn thuần của năm 2014 thì chúng ta ở nhóm trung bình trong ASEAN, nhưng nếu so về tốc độ tăng tuyệt đối thì chúng ta tăng chậm hơn các bạn. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế quanh ngưỡng 5,98% phải đặt vào bối cảnh có hàng trăm nghìn DN không có doanh thu và không có hoạt động phát sinh thuế trong năm 2014. Điều này cho thấy nền kinh tế có thể phát triển với tốc độ cao hơn nếu chúng ta xử lý tốt việc hỗ trợ các DN. Năm 2015, kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ chuyển biến vững chắc hơn năm 2014, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng vai trò là động lực quan trọng. Cải cách trong khu vực DN nhà nước sẽ được đẩy nhanh hơn để đạt chỉ tiêu đề ra.

- Mặc dù kinh tế Việt Nam năm 2015 có nhiều tín hiệu khả quan nhưng trước mắt chúng ta phải vượt qua những khó khăn, thách thức gì?

- Bên cạnh thuận lợi do sự cải thiện về tiêu dùng và đầu tư tư nhân nhưng năm 2015 vẫn còn nhiều khó khăn do kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và không ít bất trắc; giá dầu giảm ảnh hưởng đến cân đối ngân sách và khả năng đáp ứng vốn cho đầu tư phát triển; giá hàng hóa thế giới giảm, trong khi tốc độ tăng xuất khẩu đang có xu hướng giảm nhanh, nhất là khu vực nước ngoài. Những khu vực khó khăn liên quan nhiều đến các lĩnh vực kinh doanh bất động sản cao cấp, cơ khí chế tạo; các DN vừa và nhỏ có cơ cấu sản phẩm và trình độ công nghệ lạc hậu; các DN nhà nước còn trì trệ, chậm đổi mới mô hình tổ chức, trang thiết bị, công nghệ và năng lực quản trị. Hệ thống ngân hàng vẫn đối diện với áp lực phải giảm nợ xấu và sở hữu chéo, nâng cao năng lực quản trị, chuẩn hóa các chỉ tiêu hoạt động theo chuẩn chung quốc tế và cam kết hội nhập…; lãi suất cho vay so với các nước trong khu vực còn cao.

Cơ hội cho năm 2015

- Nhiều chuyên gia cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2015 sẽ có những bứt phá quan trọng do nhận được nhiều động lực phát triển tích cực từ các hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam sẽ tham gia. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

- Trong năm nay, kinh tế Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng hơn với khu vực và thế giới, nhất là tác động đa chiều từ Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu sớm kết thúc quá trình đàm phán và đi đến ký kết. Để tận dụng tối đa cơ hội từ quá trình hội nhập, đồng thời giảm thiểu những tác động không thuận lợi, nền kinh tế cũng như cộng đồng DN cần có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng để nâng cao sức đề kháng, cũng như năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế và DN. Cùng với đó, nếu quá trình tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng đạt những kết quả rõ nét hơn sẽ góp phần giúp nền kinh tế năm 2015 khởi sắc hơn.

- Vậy chúng ta cần phải có những giải pháp cụ thể gì để bức tranh kinh tế năm 2015 thực sự tươi sáng, thưa ông?

- Theo tôi, chúng ta phải chọn được những ngành, lĩnh vực, khâu đột phá. Để tái cơ cấu nền kinh tế hiệu quả cần thúc đẩy các nguyên tắc thị trường, tăng cường năng lực điều hành nền kinh tế của Nhà nước. Về phía DN cần phải tư duy lại cách thức phát triển DN, nghĩa là phải “set-up” lại, đoạn tuyệt với cách “chụp giật”. Các DN phải nhìn các bước đi của DN FDI để chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì mới có thể mở ra được thị trường và hình thành được sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Với những thông điệp được Chính phủ phát đi trong thời gian gần đây có thể nhận thấy, trong năm 2015 trọng tâm triển khai các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là “cởi trói” cho DN với mục tiêu lớn là tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Để đạt mục tiêu trên, ngoài việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng giảm thiểu chi phí đầu vào cho DN, cần mở rộng thêm dư địa cho khu vực DN ngoài nhà nước phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Chúng ta phải có quy định chặt chẽ hơn tiêu chuẩn công nghệ được phép nhập khẩu vào Việt Nam, đồng thời phải có chính sách khuyến khích thỏa đáng đối với công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường để nâng cấp nền công nghệ quốc gia.

- Tại các kỳ họp Quốc hội trong thời gian qua, các đại biểu cho rằng để đất nước phát triển rất cần lành mạnh hóa môi trường đầu tư, đặc biệt là phòng chống tham nhũng. Vậy vấn đề này được thực hiện như thế nào?

- Trong năm 2014, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN tham gia vào quá trình phát triển kinh tế xã hội như: Luật Đầu tư công, Luật Phá sản, Luật Doanh nghiệp sửa đổi... Như vậy, hệ thống pháp luật kinh tế được sửa đổi theo hướng phù hợp với Hiến pháp năm 2013 nhưng tôi cho rằng chúng ta vẫn phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật. Luật có rồi phải thực thi nghiêm, số liệu phải chính xác, công khai mới tránh được lợi ích cục bộ chi phối. Cùng với sự minh bạch về cơ chế, chính sách, cần đề cao trách nhiệm cá nhân. Bên cạnh việc giảm quy mô và tăng hiệu quả đầu tư của Chính phủ và DN nhà nước, tôi cho rằng chúng ta cần thay đổi cơ bản chính sách thu hút FDI để nguồn vốn này trở thành một động lực của quá trình cải cách cơ cấu.

Những việc cần làm ngay

- Để khắc phục những yếu kém đã được chỉ ra, những việc cấp bách cần được giải quyết đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay là gì, thưa ông?

- Muốn kinh tế Việt Nam thoát đáy có nhiều việc phải làm nhưng phải ưu tiên cải cách bằng cuộc đổi mới lần thứ hai - đổi mới tư duy phát triển và tập trung “đột phá” tái cơ cấu. Tái cơ cấu là việc làm cấp bách, phải “cưỡng bức” tái cơ cấu chứ không thể chỉ “khuyến khích”. Để đạt được các mục tiêu phát triển năm 2015, Việt Nam cần thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, DN và của nền kinh tế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Đặc biệt là nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, bảo đảm nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn.

Trong năm 2015, chúng ta cần cải cách cơ cấu kinh tế là điều kiện tiên quyết để có thể thay đổi mô hình vốn trở nên lạc hậu. Để thay đổi cơ cấu kinh tế, cần bắt đầu từ chính sách tài khóa gắn với kỷ luật tài khóa, gộp các khoản chi trong và ngoài ngân sách trong một ngân sách hợp nhất để tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Bên cạnh đó, việc đẩy nhanh cải cách khu vực ngân hàng vẫn tiếp tục là một ưu tiên. Tôi cho rằng, chúng ta phải đặt vấn đề cứu cả hệ thống. Nhà nước bỏ tiền ra tránh đổ vỡ hệ thống chứ không phải bỏ tiền ra để cứu một DN đang “ốm yếu” nào đó. Chúng ta cần phải có tư duy mới trong việc tiếp cận vấn đề tái cơ cấu: Phải chấp nhận logic của thị trường là cạnh tranh bình đẳng và giá thị trường, trách nhiệm cá nhân phải được làm rõ chứ không thể chung chung. Tái cơ cấu đúng hướng là các quá trình tái cơ cấu cụ thể, thúc đẩy các nguyên tắc thị trường, tăng cường năng lực điều hành nền kinh tế của Nhà nước phù hợp với thị trường và phục vụ DN.

- Nhiều người đang tỏ ra sốt ruột vì quá trình tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra quá chậm. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

- Đề án tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam với quyết tâm ban đầu rất mạnh, khởi đầu rất tốt nhưng quá trình thực thi chậm. Tái cơ cấu về mặt thực tiễn ít và những xoay chuyển cơ cấu kinh tế có tính chiến lược chưa diễn ra. Chính phủ đã nhấn mạnh cải cách và đổi mới cơ chế giá cả thị trường, chọn DN nhà nước là trọng tâm cải cách của năm nay, bởi khi giá chưa được trả lại cho thị trường thì còn gây méo mó trong lĩnh vực cung ứng, sản xuất và phân phối. Trong tái cơ cấu DN nhà nước khâu cổ phần hóa được Chính phủ rất chú trọng nhưng kết quả không như mong muốn. Lĩnh vực ngân hàng cũng làm được một số việc nhưng chủ yếu là những việc mang tính đối phó để giải tỏa nguy cơ và tránh sự sụp đổ. Hai vấn đề cơ bản nhất của tái cơ cấu ngân hàng là xử lý nợ xấu và giải quyết vấn đề sở hữu chéo chưa được giải quyết dứt điểm. Đầu tư công mặc dù đã làm được một số việc có định hướng cơ chế rõ ràng nhưng đến nay những trục thể chế cơ bản nhất quyết định thay đổi cơ chế vận hành, cơ chế điều hành, phân bổ nguồn lực đầu tư công chưa diễn ra. Công nghiệp hỗ trợ chậm được xử lý, chúng ta vẫn sản xuất theo kiểu gia công lắp ráp…

- Như vậy, trong năm nay chúng ta cần phải tiến hành thực hiện quyết liệt tái cơ cấu chứ không thể để chậm trễ như thời gian qua?

- Đúng vậy! Chúng ta cần phải có chính sách đủ mạnh để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đặc biệt 3 vấn đề: Tái cơ cấu nền nông nghiệp, chuyển nền công nghiệp gia công sang sản xuất và phát triển kinh tế vùng thay cho cơ cấu kinh tế địa phương. Đây là những vấn đề liên quan đến quy hoạch đất nông nghiệp; chính sách sử dụng đất nông trường, lâm trường; xây dựng cứ điểm sản xuất nông - công nghiệp; chính sách tài chính cho những địa phương duy trì đất lúa vì an ninh lương thực; chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ; chính sách nội địa hóa sản phẩm… Nhiệm vụ số một cần phải thực hiện ngay là chúng ta đã xác định tái cấu trúc bắt đầu từ khu vực nhà nước, trong đó quan trọng nhất là hệ thống ngân sách, đầu tư công và DN nhà nước. Chúng ta không thể tái cơ cấu theo kiểu đại trà mà cần dựa vào thực tiễn và phải tiếp cận tái cơ cấu từ trên xuống thì áp lực tái cơ cấu mới mạnh. Tái cơ cấu phải bao trùm và cần làm quyết liệt, nguồn lực phải được phân bổ lại cho đúng.

- Trân trọng cảm ơn ông về nội dung đã trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có chính sách mạnh để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.