(HNMO) – Ngày 7/6, thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội và ngân sách năm 2011 và những tháng đầu năm 2012, các đại biểu đã đóng góp nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả điều hành của Chính phủ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp…
Phiên thảo luận hôm nay có 4 thành viên Chính phủ tham gia giải trình, gồm Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Tổng thanh tra Chính phủ Hoàng Phong Tranh.
Tham gia thảo luận, các đại biểu đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế-xã hội đã đạt được. Nhiều ý kiến cho rằng, trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, những kết quả đạt được là rất đáng trân trọng: lạm phát được kiềm chế, an sinh xã hội được đảm bảo, thu ngân sách tăng so với dự toán, bội chi ngân sách thấp hơn kế hoạch, dư nợ công giảm… Tuy nhiên, những kết quả này còn thiếu bền vững, việc thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, thận trọng đã có nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Nhất trí duy trì chính sách kiềm chế lạm phát gắn với tăng trưởng hợp lý
Đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong điều hành kinh tế của Chính phủ, đại biểu Lê Thị Yến - Phú Thọ cũng đề nghị Chính phủ làm rõ hơn những tồn tại, nguyên nhân của tồn tại để khắc phục.
“Qua thanh tra, kiểm tra một số ít tập đoàn kinh tế Nhà nước đã thấy lỗ hổng rất lớn. Ụ nổi của Vinalines được sản xuất hàng mấy chục năm về trước mà vẫn bỏ tiền đầu tư. Liệu còn nhiều ụ nổi như vậy không trong nền kinh tế của chúng ta? Đó là nguyên nhân của suy thoái kinh tế không? Đó có là hậu quả yếu kém nội tại tích tụ nhiều năm của nền kinh tế đã xuất hiện những dấu hiệu suy giảm tăng trưởng như Báo cáo của Chính phủ không? Chúng ta cần phải phân tích sâu sắc hơn”, đại biểu Yến nói.
Theo đại biểu Yến, Đảng và Nhà nước luôn kịp thời nắm chắc diễn biến tình hình để điều chỉnh kịp thời các chính sách và đưa ra các giải pháp tương đối nhạy bén, nhưng trong thực tế, một trong những nguyên nhân dẫn đến những tồn tại là khâu tổ chức thực hiện. Do vậy, Chính phủ cần nâng cao năng lực, trình độ về quản lý, đặc biệt là về khâu tổ chức thực hiện các giải pháp đã đề ra để có hiệu quả thực sự.
Quan ngại về dấu hiệu suy giảm kinh tế, đại biểu Đỗ Văn Vẻ - Thái Bình đánh giá, mặc dù Chính phủ đã có một loạt các biện pháp tháo gỡ khó khăn thông qua gói giải pháp khoanh, giãn, miễn thuế cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng chỉ bớt đi phần nào khó khăn, thực trạng vẫn còn tiềm ẩn và lo âu.
Để duy trì và phát triển nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo, đại biểu Vẻ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm tiếp tục đưa ra các giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nông nghiệp, nông thôn như hạ lãi suất ngân hàng thấp hơn nữa, khoanh, giảm, miễn các loại thuế cho doanh nghiệp, có chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng xuất khẩu và đẩy mạnh tiêu dùng trong nhân dân nhằm giảm thiểu lượng hàng tồn kho trên thị trường đang ở mức cao nhất từ trước tới nay. Đồng thời, tập trung cao độ vào tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm đưa nền kinh tế nước ta phát triển và tăng trưởng bền vững.
Theo đại biểu Trần Du Lịch - TP Hồ Chí Minh, tất cả giải pháp được đưa ra phải đảm bảo để kích thích thị trường, giải quyết khó khăn nhưng không gây nguy cơ lạm phát.
“Tôi không đồng tình với một số quan điểm đề nghị hy sinh tăng trưởng, hay hy sinh lạm phát. Bốn mục tiêu kinh tế vĩ mô mà mọi Nhà nước phải tiến hành một cách đồng bộ, đó là tăng trưởng liên tục, kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả, tạo việc làm, tăng xuất khẩu, tạo cơ sở cho tăng ngoại tệ, bảo vệ đồng tiền… Từ nay đến cuối năm, nếu chúng ta đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 5,5% là hợp lý, chỉ số giá cả khoảng 8%”, đại biểu Lịch nói.
Đại biểu Lịch cũng cho rằng, để bảo đảm tăng trưởng kinh tế 6- 6,5%, Chính phủ đề ra tăng tín dụng 15- 17% mà tới thời điểm này vẫn còn âm thì không thể tăng được. Hiện nay, nếu cộng cả ngân sách, cộng cả tín dụng, mỗi tháng hơn 70.000 tỷ bơm ra thị trường mà nền kinh tế không hấp thụ được thì có nghĩa là hệ thống dòng vốn của nền kinh tế bị tắc nghẽn, giống như hệ tuần hoàn mạch máu có cục máu đông nằm trong động mạch, tĩnh mạch. Cục máu đông đó là nợ xấu ngân hàng, nếu không làm xẹp đi cục máu đông này, nền kinh tế không hấp thụ được. Đại biểu Lịch đặt vấn đề, phải chăng trong quá trình sắp xếp tái cấu trúc, xử lý “cục máu đông”, có một nhóm lợi ích nào đó thừa "đục nước béo cò"?
“Vì lợi ích quốc gia tôi kiến nghị phải giải quyết một cách dứt khoát, vấn đề là đừng để ai làm "đục nước béo cò" trong vấn đề tổ chức lại thị trường, có vậy mới giải quyết được cục máu đông”, đại biểu Lịch nói.
Dưới một cái nhìn khác, đại biểu Dương Trung Quốc – Đồng Nai đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ nhưng ông cũng nghiêm túc đánh giá, có nhiều vấn đề đã được cảnh báo nhưng Chính phủ chậm tiếp thu để rồi thực tế chứng minh những cảnh báo ấy thành hiện thực. Đại biểu Quốc đặt vấn đề phải chăng Chính phủ chưa tin dân hay “năng lực lắng nghe” của Chính phủ còn hạn chế?
“Tôi đề nghị, dựa trên báo cáo mỗi kỳ họp của Chính phủ, Quốc hội cần hướng vào giám sát những vấn đề nổi bật để thấy được sự tiến bộ của Chính phủ, những việc làm được, chưa làm được”, đại biểu Quốc nói.
Kết luận phần phát biểu của mình, đại biểu Dương Trung Quốc trích một câu của một viên quan thời Hậu Lê Hoàng Hữu Phúc đúc kết về thuật trị nước vào một thời kỳ rối ren để Quốc hội suy ngẫm: “Nước lấy dân làm gốc, lúc bình yên, nước hãy để dân yên. Dân lấy nước làm lòng, khi hữu sự dân ra gánh vác”. Đại biểu Quốc để ngỏ câu hỏi, liệu thời điểm này, nếu có hữu sự, dân có ra gánh vác hay không?
“Đặt lòng câu hỏi đó, Chính phủ sẽ thấy có nhiều việc phải làm”, đại biểu Quốc nói.
Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu thị trường
Theo đại biểu Nguyễn Cao Phúc - Quảng Ngãi, bên cạnh những thành tựu đã đạt được đến nay, các giải pháp kiềm chế lạm phát cũng đã bộc lộ những mặt tiêu cực cần phải khắc phục.
“Tôi thống nhất quan điểm trong thời gian đến chúng ta cần phải kiên trì với mục tiêu kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên hiện nay tăng trưởng thấp nhất trong 5 năm qua, chỉ số giá tiêu dùng đang ở mức thấp, lượng hàng tồn kho tăng cao dẫn đến đình trệ sản xuất, thất nghiệp và hàng trăm ngàn doanh nghiệp ngừng hoạt động. Các điều này đặt ra chúng ta cần cân nhắc nên thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức độ nào cho phù hợp để vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa kích thích sản xuất và giải quyết lao động việc làm”, đại biểu Phúc nói.
Đại biểu Phúc đề nghị, Chính phủ nên xem xét điều hành linh hoạt và nới lỏng chính sách tài khóa một cách thận trọng, nới lỏng Nghị quyết 11 gắn với đó là việc tiếp tục phân bổ vốn để hoàn thiện các công trình dở dang, đầu tư các công trình cấp bách để giải quyết các khó khăn trong sinh hoạt sản xuất và đời sống của nhân dân. Đồng thời, nên cân nhắc giảm thuế VAT nhằm hạ giá bán, kích thích sức mua để doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.
Đại biểu Nguyễn Cao Sơn - Hòa Bình đánh giá, nếu năm 2009, khó khăn của doanh nghiệp chủ yếu do tác động của nền kinh tế thế giới thì thời điểm này, số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phá sản nguyên nhân xuất phát từ khó khăn bên trong là chủ yếu, đó là những tác động của chính sách điều tiết về giá cả và tiền tệ. Cơ chế chưa rõ ràng, khiến cho nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh tốt, có thương hiệu mạnh nay cũng trở thành làm ăn kém hiệu quả, dẫn đến ngừng hoạt động hoặc phá sản, gây mất việc làm cho nhiều người lao động.
“Theo tôi, trong thời điểm hiện nay để phát triển kinh tế, chúng ta cần chấp nhận một tỷ lệ lạm phát hợp lý. Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ, bài bản, có tính dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp như Nghị quyết 13 đã đưa ra một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh, hỗ trợ thị trường cho doanh nghiệp”, đại biểu Sơn nói.
Đại biểu Sơn đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu những giải pháp cứu doanh nghiệp bằng các hình thức như tiếp tục hoãn, giãn, miễn, giảm thuế, có giải pháp kích cầu tiêu thụ hàng hóa. Đồng thời, khi thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, xác lập mô hình bình đẳng khu vực kinh tế tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, tìm rõ nguyên nhân về sự tăng giảm bất thường của lượng tiền mặt lưu thông trên thị trường gây ra biến động của nền kinh tế….
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đại biểu Trần Văn Minh – Quảng Ninh cũng đề nghị cần tiếp tục hạ lãi suất cho vay. Trong tổ chức thực hiện, cần đưa ra những quy định phù hợp để tránh các rào cản không cần thiết, mặt khác cũng tránh lợi dụng việc này để tái cơ cấu nợ cho cả ngân hàng và doanh nghiệp. Theo ông, cần giảm nhanh lãi suất vay so với kết quả kiềm chế lạm phát thì mới có tác dụng.
Đại biểu Minh cũng đề nghị có sự kích cầu hợp lý, trong đó quan tâm tới thị trường nội địa bằng cách đẩy mạnh các chương trình khuyến mại, có chính sách tín dụng hợp lý để kích thích tiêu dùng trong nhân dân (cho vay mua nhà…), đẩy mạnh phong trào người VN ưu tiên dùng hàng VN, giảm nhập khẩu những mặt hàng trong nước sản xuất được…
Nhất trí tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, kích thích thị trường, đại biểu Trần Ngọc Vinh - TP Hải Phòng cũng lưu tâm Chính phủ cần chỉ đạo kiểm tra, thanh tra chặt chẽ việc thành lập doanh nghiệp, đánh giá cụ thể các doanh nghiệp giải thể, phá sản, có bao nhiêu % khó khăn do cơ chế, do nguyên nhân khách quan để có thể đưa ra các giải pháp phù hợp; rà soát, đánh giá phân loại doanh nghiệp tại các địa phương, các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển để hỗ trợ tạo điều kiện cho vay hay giãn nợ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển sản xuất, kiên quyết dừng hoạt động đối với các doanh nghiệp yếu kém, chú ý tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách của Nhà nước để hoạt động sản xuất kinh doanh không lành mạnh.
Tham gia giải trình thêm tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh đã làm rõ thêm việc bố trí chậm vốn cho các dự án. Bộ trưởng cho biết, đúng là việc bố trí vốn của Chính phủ cho các dự án có chậm so với mọi năm, nhưng chỉ chậm 10-15 ngày. Theo Bộ trưởng, tháng 8/2011, khi chính phủ mới được thành lập, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ dự thảo (nay là nghị định 1792) về tái cơ cấu đầu tư công, trong đó kiên quyết lập lại trật tự trong sử dụng vốn đầu tư công, khắc phục tình trạng bố trí vốn dàn trải, hiệu quả kém và phân tán. Mục tiêu là ưu tiên bố trí vốn cho những công trình có thể hoàn thành, đưa vào sử dụng và bố trí vốn theo đúng tiến độ công trình. Ngay đợt giao vốn đầu tiên, Bộ đã giao hơn 92% số vốn, chỉ còn giữ lại hơn 7% là do một số công trình chưa có giải trình rõ, CP gia hạn cho địa phương bổ sung hồ sơ đến 31/3 và đầu tháng 4 đã bắt đầu giao tiếp. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn những dự án mà địa phương chưa giải trình được, Bộ vẫn phải trả về địa phương.
Bộ trưởng khẳng định, các bộ, ngành và địa phương đã làm hết sức mình. Đến nay, cơ bản đã giao được 40.099 tỷ đồng/43.000 tỷ đồng, chỉ còn hơn 2000 tỷ đồng, trách nhiệm này là do các địa phương, các bộ bố trí vốn không đúng theo quy định, vẫn dàn trải.
“Chúng tôi đã đề nghị Chính phủ gia hạn cho các địa phương, các bộ giải trình tiếp đến 31/6, nếu vẫn không làm tốt thì kiên quyết thu hồi về”, Bộ trưởng nói.
Về việc giảm thuế VAT và thu nhập doanh nghiệp, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, qua nghiên cứu nhiều nước, đa số đều có mức thuế VAT trên 10%. Nếu lúc này, chúng ta giảm 5% thuế VAT thì lập tức giảm 15,6% tổng thu ngân sách mà Quốc hội đã phê duyệt. Như vậy, sẽ không có khoản nào bù đắp, trong khi bội chi ngân sách không được tăng thêm. Thêm vào đó, nếu chúng ta chỉ giảm VAT trong nước mà không giảm VAT cho hàng nhập khẩu thì lại vi phạm cam kết WTO về phân biệt đối xử.
“Chúng ta giảm thuế để giảm giá hàng hóa là trong điều kiện lạm phát cao, nếu giờ lạm phát thấp mà áp dụng thì không phù hợp. Năm 2009, chúng ta đã giảm thuế mà doanh nghiệp cũng không giảm giá bán và chúng ta cũng không có chế tài bắt doanh nghiệp giảm giá bán khi được giảm thuế”, Bộ trưởng cho biết thêm.
Theo Bộ trưởng, thuế VAT có thể được xem xét giảm với một số phân khúc phù hợp.
Về thuế thu nhập doanh nghiệp, hiện đa số các nước áp mức từ 26-45%, trung bình là 27%, mức của Việt Nam 25% là ở mức thấp của thế giới. Dự kiến đến 2020, mức thuế này sẽ được kéo xuống 20%. Giờ nếu chúng ta thực hiện giảm ngay thuế từ 25 xuống 20% thì ngân sách sẽ bị giảm hơn 20.400 tỷ đồng. Bộ trưởng cho biết, trong điều kiện thu ngân sách giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm thì khả năng cân đối ngân sách là rất khó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.