(HNM) - Ngày 15-5, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Việc làm, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).
Các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) đã xác định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong xây dựng chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời đưa ra chỉ tiêu tiết kiệm, yêu cầu chống lãng phí đến từng hoạt động quản lý và từng loại vật tư tài sản. Tuy nhiên, dự thảo luật nên quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan chức năng đối với việc bảo vệ người tố cáo. Ngoài ra, cần có chế tài quy định đối với cán bộ, công chức dùng điện thoại cơ quan, sử dụng xe công vào việc riêng, thời gian lao động không hiệu quả.
* Cùng ngày, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã tiếp xúc cử tri ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT), các hiệp hội doanh nghiệp tại Hà Nội trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII. Hầu hết các ý kiến đề cập đến công tác đền bù đất, giải phóng mặt bằng, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập, cần chỉnh lý khi xây dựng dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Theo phản ánh của cử tri, hiện người dân có nhu cầu cấp "sổ đỏ" nộp hồ sơ tại bộ phận "một cửa" của Sở TN&MT. Sau khi sở này hoàn tất thủ tục sẽ viết các nội dung vào "phôi sổ đỏ", rồi chuyển hồ sơ và "phôi sổ đỏ" cho UBND quận, huyện ký, đóng dấu. Sau quy trình này, UBND các quận, huyện mới chuyển hồ sơ về Sở TN&MT để trả kết quả cho người dân. Việc thẩm định đi, thẩm định lại giữa hai cơ quan nêu trên càng kéo dài thời gian cấp sổ đỏ. Trường hợp gặp phải những hồ sơ phức tạp, cán bộ không sâu sát, chưa phối hợp với bộ phận liên quan… dẫn tới hồ sơ bị "ngâm" lâu, khiến người dân bức xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.