Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần cơ chế kiểm soát thực phẩm đủ mạnh

Nguyễn Lê| 21/09/2016 17:24

(HNMO) - “Nếu không có cơ chế, hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) đủ mạnh thì năm hay mười năm nữa thực trạng mất vệ sinh ATTP cũng sẽ không chuyển biến được gì”.

Nhiều đại biểu đề xuất cơ chế kiểm soát ATTP tại diễn đàn.


Đây là nhận định của GS.TS Phạm Duy Tường (Đại học Y Hà Nội) tại Diễn đàn chính sách “An toàn thực phẩm ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp” do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hôm nay (21-9) tại TP Hồ Chí Minh.

Theo GS.TS Phạm Duy Tường, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) ở Việt Nam hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức như: thực trạng sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, hóa chất cải tạo môi trường, hóa chất bảo quản, chất nhuộm màu trong sơ chế, chế biến sau thu hoạch, sản xuất chế biến các loại thực phẩm, món ăn (phẩm màu, vàng O…); điều kiện bảo đảm VSATTP từ khâu nuôi, trồng, bảo quản, vận chuyển, sơ chế, chế biến, giết mổ không đáp ứng yêu cầu VSATTP dẫn tới ô nhiễm vi sinh vật; rau quả, thịt, cá và các thực phẩm tươi sống bán ở chợ phần lớn chưa có nhãn mác, dấu hiệu nhận diện nguồn gốc; mất kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu, vi phạm pháp luật về ATTP vì lợi nhuận...

Tại diễn đàn, các đại biểu cũng đưa ra bằng chứng về thực phẩm không an toàn, cụ thể, trong 5.450 mẫu thịt phát hiện 104 mẫu có chất cấm, kháng sinh; 5.433 mẫu thịt phát hiện 834 mẫu có Salmonella; kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi ở 1.129 cơ sở, phát hiện 24 cơ sở vi phạm; 649 mẫu thức ăn chăn nuôi phát hiện 12 mẫu dương tính với Salbutamol... Về thủy sản, 4.963 mẫu sản phẩm thủy sản phát hiện 361 mẫu vi phạm hóa chất và kháng sinh; trong khi các vi khuẩn Ecoli và vi khuẩn hiếu khí đều vượt ngưỡng cho phép.

Mặc dù hiện Việt Nam đã có Luật An toàn thực phẩm từ năm 2010, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã quyết liệt vào cuộc, đã phân công trách nhiệm theo ngành nhưng theo các đại biểu thực trạng ATTP vẫn chưa có chuyển biến đột phá. Nguyên nhân được nhiều đại biểu cho rằng là do chúng ta chưa có cơ chế và hệ thống kiểm soát hiệu quả, đủ mạnh.

Chính vì vậy, nhiều kiến nghị được đưa ra tại diễn đàn đề xuất phải xây dựng một cơ chế, hành lang pháp lý phù hợp. Qua đó, Chính phủ cần cân đối đầu tư nguồn lực để xây dựng hệ thống kiểm soát ATTP từ con người, kinh phí, trang thiết bị. Xây dựng hệ thống thanh tra ATTP phù hợp cả về mạng lưới, hệ thống kỹ thuật từ trung ương, khu vực, tỉnh, thành phố, huyện, xã trên cơ sở rút kinh nghiệm từ mô hình thí điểm của TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần cơ chế kiểm soát thực phẩm đủ mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.